Các nhà đầu tư đang chuyển hướng khỏi đồng USD để ứng phó với các chính sách thuế quan mạnh tay của Tổng thống Mỹ Donald Trump và thay vào đó đặt niềm tin vào Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Đồng euro và đồng USD tại Brussels, Bỉ.
DW (Đức) đưa tin, đồng euro đã tăng hơn 10% so với USD kể từ tháng 1, đạt mức 1,1369 USD đổi một euro vào ngày 14/4. Trong khi phần lớn sự phục hồi của đồng euro bắt nguồn từ tình trạng tháo chạy khỏi đồng bạc xanh do các chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Trump, một phần sức mạnh của đồng tiền chung phản ánh sự tự tin ngày càng tăng vào nền kinh tế Eurozone.
Eurozone gồm 20 thành viên đang phục hồi sau một cuộc suy thoái nhẹ vào năm 2023, với mức tăng trưởng 0,8% vào năm ngoái và dự kiến tăng trưởng 1,3% vào năm 2025. Tuy nhiên, mức thuế quan 20% Mỹ sắp áp dụng đối với hàng nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), hiện đang tạm dừng trong 90 ngày, vẫn có thể làm chệch hướng triển vọng này.
Đáng chú ý, nhiều nhà đầu tư đã dự đoán về sự phục hồi của châu Âu và chuyển vốn từ đồng USD sang cổ phiếu và trái phiếu châu Âu, qua đó củng cố thêm giá trị của đồng euro.
Sức mạnh của đồng euro cũng đang được thúc đẩy bởi các chính sách tiền tệ khác nhau. Trong khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã bắt đầu cắt giảm lãi suất, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn giữ lập trường cứng rắn để ứng phó với tình trạng lạm phát dai dẳng ở một số khu vực của Eurozone.
Lãi suất thấp hơn của Mỹ khiến việc nắm giữ USD ít có lợi nhuận hơn, thúc đẩy các nhà đầu tư ưa chuộng đồng euro. Mặc dù vậy, việc thay đổi tới 10% chỉ trong vài tháng là tương đối hiếm. Đồng euro ngày càng được coi là đối trọng với đồng USD trong thời kỳ địa chính trị đầy biến động này, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng thuế quan của Tổng thống Trump có thể đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái.
Ưu và nhược điểm của đồng euro mạnh hơn
Sức mạnh hiện tại của đồng tiền chung euro mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, những người có thể mua các sản phẩm do Mỹ sản xuất với giá thấp hơn. Du lịch đến Mỹ từ châu Âu cũng trở nên rẻ hơn một chút, trong khi các mặt hàng được định giá bằng USD, như dầu và khí đốt, trở nên phải chăng hơn.
Đây là một sự giải tỏa đáng hoan nghênh đối với các nhà sản xuất tại Eurozone vốn vẫn đang vật lộn với chi phí năng lượng cao xung đột Nga- Ukraine. Bà Rebecca Christie tại viện nghiên cứu có trụ sở ở Bỉ Bruegel còn bổ sung rằng các hãng hàng không và quân đội châu Âu cũng có thể được hưởng lợi từ mức giá rẻ hơn đối với các máy bay mới, cũng được mua bằng USD.
Bà Rebecca Christie nhấn mạnh:"Một số nhà xuất khẩu châu Âu trong khi đó có thể cảm thấy tác động từ việc hàng hóa của họ trở nên đắt hơn một chút đối với phần còn lại của thế giới". Đức được coi là quốc gia châu Âu dễ bị tổn thương nhất trước sức mạnh của đồng euro, vì xuất khẩu chiếm khoảng một nửa GDP của nước này vào năm ngoái. Đồng tiền mạnh hơn khiến ô tô, máy móc và hóa chất của Đức trở nên đắt đỏ hơn vào thời điểm nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang phải vật lộn với giá năng lượng cao, nhu cầu toàn cầu yếu và sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc.
Trong khi một số nhà giao dịch dự đoán đồng euro có thể mạnh hơn nữa so với đồng bạc xanh trước khi kết thúc năm, thì hầu hết các ngân hàng đầu tư lớn đều dự đoán đồng tiền này sẽ dao động quanh mức hiện tại.
Nhà kinh tế học Holger Schmieding tại Ngân hàng Berenberg (Đức) phân tích với DW rằng mặc du USD đang mất đi một phần giá trị, nhưng đồng euro không phải là lựa chọn thay thế thực sự.
Ông Schmieding đã trích dẫn mức độ thiệt hại được dự đoán có thể xảy ra với kinh tế toàn cầu từ chương trình nghị sự thương mại của Tổng thống Trump và đánh giá rằng điều này"có thể gây áp lực lên tăng trưởng của Eurozone và đòi hỏi ECB phải phản ứng bằng cách cắt giảm lãi suất nhiều hơn".
Oxford Economics ước tính rằng nếu Tổng thống Trump tiến hành áp thuế 20% đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU, tăng trưởng của Eurozone có thể giảm tới 0,3 điểm phần trăm trong năm nay và năm sau. Dự báo này giả định rằng EU sẽ phản ứng bằng các biện pháp đối phó có mục tiêu đối với hàng hóa của Mỹ thay vì trả đũa toàn diện.
VietBF@sưu tập