Người xưa có câu nói:
"Nói chín thì phải làm mười, nói mười làm chín kẻ cười người chê". Lời này nhắc nhở cho chúng ta rằng, khi đã nói ra thì phải làm nhiều hơn lời mình đã hứa, nếu không sẽ bị người đời chê cười, oán trách. Nhưng nếu suy ngẫm sâu hơn, còn có một cảnh giới cao hơn nữa:
Không nói mà làm.
Lời nói tuy dễ dàng, nhưng hành động mới khó
Con người thường thích nói trước để thể hiện ra bản thân. Có người nói về những điều lớn lao, về hoài bão, về nhân nghĩa, nhưng đến khi bắt đầu hành động lại lười nhác hoặc thoái lui trước khó khăn. Lời nói như một làn gió, nhẹ nhàng bay đi, nhưng hành động thì cần đòi hỏi nghị lực và kiên trì. Thế mới là khó khăn.
Khi một người quá chú trọng vào lời nói, họ có thể rơi vào cái bẫy của chính mình. Nói quá nhiều đôi khi khiến cho tự mãn, ảo tưởng rằng mình đã làm được, nhưng trên thực tế vẫn còn xa vời. Càng nói nhiều, lòng càng giao động, mà tâm đã giao động rồi thì khó mà tĩnh táo, sáng suốt để hành động thực sự.
Người thật sự làm, không cần phải nói nhiều
Người có năng lực đích thực, là người lặng lẽ làm, âm thầm kiến tạo nên giá trị của việc mà họ làm, không cần phải phô trương, khoác lác bởi vì chỉ có sự tập trung cao độ và tinh thần bền bỉ mới có thể làm nên việc lớn.
Họ không cần rêu rao về sự nỗ lực của mình, cũng không cần tìm kiếm sự công nhận từ bên ngoài. Họ hiểu rằng giá trị không nằm ở những lời nói, mà ở kết quả sau cùng.
Một người làm được việc mà không nói, không tranh công, không phô diễn, chính là người có tâm thái vững vàng. Họ biết việc gì đáng nên làm, việc gì không cần nói, và quan trọng hơn cả, họ biết rằng thời gian sẽ tự khắc chứng minh ra tất cả.
Trượng phu thời xưa (Minh họa)
Thế gian trọng thực lực, không trọng ngôn từ
Có một nghịch lý trong cuộc sống: Người càng giỏi thường càng biết khiêm tốn. Người càng kém lại càng thích thể hiện ra. Vì sao? Vì người giỏi luôn để cho thực lực lên tiếng, còn người yếu kém phải dùng lời nói để khỏa lấp khoảng trống trong năng lực.
Một người thợ giỏi không khoe khoang quá nhiều về kỹ thuật của mình, họ chỉ nói khi cần thiết hoặc vì muốn giúp đỡ ai đó nên họ sẽ cần nói nhiều một chút, nhưng về nguyên tắc, họ không phải là người thích nói nhiều và sản phẩm mà họ làm ra sẽ nói thay cho họ.
Một người có nhân cách lớn lao không cần kể về phong cách đạo đức của mình, nhưng cách mà họ biết đối nhân xử thế sẽ khiến cho người khác tôn trọng bội phục (nhưng không phải tất cả đều tôn trọng họ, tác giả chỉ đề cập đến sự việc có tính phổ quát)
Thế gian này, rốt cuộc chỉ ghi nhận những gì mà bạn làm được, chứ không phải những gì bạn nói ra, ít nhất và đầu tiên nhất là phải làm được điều đó cho chính mình.
Sự tĩnh lặng của bậc trí giả
Người có tâm tính cao không chỉ ít nói mà làm, mà còn làm trong sự tĩnh lặng. Họ hiểu rằng khiêm nhường là sức mạnh to lớn nhất. Một dòng sông sâu thì luôn chảy êm đềm. Một cây cổ thụ vững chãi thì không cần khoe khoang cành lá sum suê.
Lặng lẽ làm việc, không cần ai khen ngợi. Đối mặt với khó khăn, không cần kêu than. Khi đạt được thành tựu, cũng không cần phô trương. Tất cả đều là một quá trình tự nhiên, giống như Mặt trời không cần tuyên bố rằng nó đang chiếu sáng, nhưng ai ai cũng cảm nhận được ánh sáng ấy.
Chỉ có hành động mới tạo nên giá trị thật
Khi hiểu được điều này, chúng ta sẽ không còn quá bận tâm đến việc giải thích hay chứng minh bản thân với người khác. Chúng ta sẽ dồn toàn bộ tâm sức vào việc làm, để cho thực tế sẽ lên tiếng thay, và kết quả lộ rõ cũng là điều tất yếu, chứ không phải họ làm điều đó vì để được người khác công nhận.
Thay vì nói về những gì mình sẽ làm, hãy cứ âm thầm mà thực hiện.
Thay vì hứa hẹn, hãy để cho kết quả sau cùng chứng minh.
Thay vì cố gắng thể hiện mình giỏi, hãy để cho sự tĩnh lặng của mình tạo nên sự tôn trọng từ người khác.
Cuối cùng, người càng trưởng thành, càng tiết kiệm lời ăn tiếng nói, vì họ biết rằng, hành vi luôn mạnh hơn lời nói.