Tôi xin đăng lại bài viết này của tôi, nói về ba tôi, trước khi làm lễ hỏa thiêu, cách đây ít lâu. Để xem như là một lời cảm tạ gửi đến các bác, các cô chú, bạn bè, anh chị em, bà con, từ nhiều nơi trên thế giới, đã liên lạc, gặp gỡ, giúp đỡ gia đình, tham dự tang lễ, cầu an cho ba tôi trong suốt gần hai tháng vừa qua. Tôi & gia đình xin chắp tay thành thật cảm ơn tất cả.
Trịnh Hội

Trịnh Chỉnh (08.12.1942 – 25.02.2024)
Sinh ra vào ngày 08 tháng 12 năm 1942 tại Sài Gòn trong một gia đình lao động có tất cả 9 anh chị em mà ba chúng tôi là anh trai cả, từ nhỏ ông đã luôn cố gắng phấn đấu, học giỏi để lớn lên có thể tự lo cho mình và giúp đỡ cha mẹ lo cho gia đình.
Vừa lấy được văn bằng trung học đệ nhất cấp, ông đã xin vô học chương trình Sư Phạm Cấp Tốc vào năm 1960 lúc tuổi chưa tròn 18 để ngay sau khi ra trường có thể làm thầy giáo dạy học giúp gia đình. Lương lãnh được bao nhiêu là chỉ biết đưa hết cho má.
Bởi vậy khi được hỏi trong đời điều gì làm cho ba hãnh diện nhất, không ngần ngại ba chúng tôi đã trả lời một cách rất thành thật và ngắn gọn: giúp cho bà nội lo mấy đứa em.
Sau khi ra trường, ba chúng tôi đã được cho về Dầu Tiếng ở Bình Dương làm thầy giáo dạy tiểu học ba năm trước khi chuyển về Lái Thiêu ở ngoại thành Sài Gòn tiếp tục đi dạy.
Và đây cũng là nơi mà ba chúng tôi đã tình cờ gặp mẹ, lúc ấy cũng là môt giáo viên, trong một buổi trình diễn văn nghệ dã chiến mà ba đã được nhờ đệm đàn guitar giúp cho mẹ hát bài ‘Không Bao Giờ Ngăn Cách’ của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh mà, xin nói thêm, giữa hai người chưa từng được dợt trước đó một lần nào.
Bởi vậy kỷ niệm đầu tiên và nhớ nhất của ba đối với mẹ lúc đó ấy là mẹ hát nhạc điệu slow mà đàn của ba thì phải theo muốn… hụt hơi vì, nói thẳng ra, tuy nhạc lý của mẹ tôi không vững như ba nhưng được cái rất tự tin: tôi tự do hát, anh cứ tự theo!
Và thế là từ lúc đó ba tôi đã tiếp tục tự theo, trước là tự theo về nhà và sau đó là theo ra đến Hội Việt Mỹ nơi mẹ tôi đang đi học thêm tiếng Anh để tình nguyện chở người đẹp về nhà.
Chở được một năm thì hỏi lấy được mẹ tôi, con nhà gia giáo, trung lưu và có chức phận, lại cùng làm nghề giáo, vào năm 1966. Nhưng chỉ được một năm sau thì ba phải nhập ngũ vào Trường Sĩ Quan Thủ Đức và được chuyển sang bên quân nhu nơi người chị cả của chúng tôi, Ngọc Trâm, được sinh ra đời ngay sau Tết Mậu Thân 1968.
Xin ra khỏi quân đội vào năm 1970 để trở về với nghề giáo, đây cũng là lúc ba mẹ lần lượt cho ra đời 3 người con kế tiếp: Trịnh Hội, Quỳnh Trâm, Thu Trâm và ba tôi tiếp tục học thêm tại Đại Học Văn Khoa để lấy văn bằng Cử Nhân Anh Văn mà đối vơí ba tôi, đây là một điều làm cho ông vui và hãnh diện.
Bởi trong đời ông, đó là một trong hai niềm đam mê lớn nhất: âm nhạc và ngôn ngữ học.
Tuy xin được học bổng Colombo của Úc vào đầu năm 1975 nhưng với biến cố 30 tháng 4 ngay sau đó, từ là một hiệu trưởng của trường trung học Nguyễn Cư Trinh ở Gò Vấp, Sài Gòn, ba chúng tôi đã bị bắt vào tù cải tạo ở ba năm, trước khi gia đình bị buộc phải rời khỏi Sài Gòn và dọn về ở Phú Quốc, nơi ông nhiều lần cố vượt biên nhưng không thành, mãi cho đến ngày 03 tháng 5 năm 1980, khi ông và gia đình một người bạn, trốn thành công và được tàu đánh cá người Thái cứu vớt sau 10 ngày lênh đênh trên biển, tưởng đã phải bỏ thây.
Chỉ sau ba tháng ở trại tỵ nạn tại Thái Lan, ba chúng tôi đã được nước Úc nhận đơn xin định cư tại Melbourne nơi ông bắt đầu công việc đầu tiên là tram conductor sau đó chuyển sang là bus driver chỉ sau 2 tuần đăt chân đến Úc. Năm năm sau, ông đã thành công trong việc bảo lãnh vợ và 4 người con được đoàn tụ gia đình.
Từ năm 1985 khi gia đình được đoàn tụ và sinh sống tại Brunswick trước khi dọn về ở Glenroy cho đến cuối đời, ba chúng tôi vừa làm tài xế lái xe full time cho chính phủ tiểu bang Victoria, vừa làm thầy giáo dạy kèm Anh Văn lẫn âm nhạc part time tại nhà cho 4 người con đang trong tuổi dần trưởng thành.
Khi cả 4 người con vào được đại học, đấy cũng là lúc ông xin vào Trường Đại Học LaTrobe để lấy bằng đi dạy lại vào năm 1992. Công việc cuối cùng của ông trước khi nghỉ hưu vào năm 1997 là thầy giáo dạy Toán, Tiếng Việt và ESL (English as a second language) tại trường Footscray City College.
Tuy đã chính thức về hưu từ cuối thập niên 90 nhưng trong suốt quãng đời còn lại, mặc dù phải gánh chịu nhiều bệnh tật nhất là từ khi ông bị stroke vào năm 2013, ba chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu phật pháp và giúp một số tu viện dịch sách từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Quyển sách cuối cùng mà ba chúng tôi, với pháp danh là Minh Thiện dịch là quyển Niết Bàn Qua Tâm Lý Học - The Psychology of Nirvana, của Gíao Sư Rune Johansson.
Theo lời giới thiệu của Hoà Thượng Thích Nhật Từ thì đây là một tác phẩm do ‘cư sĩ Minh Thiện – Trịnh Chỉnh dịch, đầu tiên về loại này, nghiên cứu và phân tích một cách có hệ thống về bản chất của sự giải thoát trong Phật giáo, cũng chính là mục đích tu tập và là điều khó đạt được nhất’.
Và đó cũng là điều mà ba chúng tôi mong muốn nhất ở những ngày cuối đời. Được an yên, được giải thoát và ra đi trong tiếng nhạc cùng với gia đình, theo như đúng câu viết của triết lý gia nổi tiếng người Đức, Johann Wolfgang von Goethe, mà ba đã dịch ra và còn ghi lại rõ trên cây đàn:
‘Tài năng được nuôi nấng trong cô độc
Nơi chữ nghĩa dừng chân, âm nhạc bắt đầu’.
(Talent is formed in quiet retreat
Where words end, music begins)
Cảm ơn ba đã là thầy của tụi con cho đến cuối đời.
