Tại một góc khuất của quận Hoa Cường Bắc, nơi đặt trung tâm thương mại điện tử nổi tiếng ở Thâm Quyến (TQ), có một tòa nhà mang tên
Feiyang Times với vẻ bên ngoài xám xịt, cũ kỹ, nằm lọt thỏm giữa những biển hiệu rực rỡ và những dòng người hối hả. Từ bên ngoài, chẳng ai lại nghĩ, nơi này lại là điểm đến cuối cùng của hàng ngàn chiếc iPhone bị đánh cắp tại Anh, Mỹ hay Pháp.
Thế nhưng, trong giới mua bán chợ đen, đây được mệnh danh là
"tòa nhà chứa iPhone bị ăn trộm lớn nhất", theo
Financial Times.
Bên trong tầng lầu 3 và 4 của tòa nhà, các quầy kính nhỏ, chật kín người chen chân mua bán điện thoại cũ. Họ đến từ khắp nơi: Trung Đông, Đông Nam Á, Nam Á, châu Phi... Phần lớn là các thương gia, đi gom hàng với số lượng lớn để tái phân phối về thị trường của mình.
Những chiếc iPhone được xếp thành từng chồng, đủ loại đời, đủ trạng thái:
mới 98%, chưa activate, đã qua sửa, bị khóa mạng, thậm chí khóa iCloud. Người bán không có mấy ai biết hoặc muốn nói về nguồn gốc của số điện thoại đó. Câu trả lời phổ biến nhất là:
"Tôi không rõ, tôi chỉ bán hàng".

(Minh họa)
Hành trình của một chiếc điện thoại bị lấy cắp
Một buổi tối lúc giữa tuần, Sam Amrani, thương gia kỹ nghệ nghệ người Anh, vừa tan việc và đang nhắn tin qua
WhatsApp trên phố Kensington. Anh này bất ngờ bị hai người đàn ông đi xe đạp điện đến áp sát và giựt mất chiếc iPhone 15 Pro mới mua được 4 tháng.
Chuyện tưởng như sẽ rơi vào quên lãng, nhưng Amrani lại quyết định dò tìm theo hành trình của thiết bị bị mất này nhờ chức năng định vị. Chỉ trong vài ngày, điện thoại của anh được xác định đã đi qua một tiệm sửa ở London, đến Hong Kong rồi đang
"nằm yên" tại khu Hoa Cường Bắc, quận điện tử nổi tiếng tại Thâm Quyến, TQ.
Anh này đã chia sẻ trải nghiệm lên
LinkedIn và nhanh chóng nhận được hàng chục hồi âm tương tự. Hóa ra, co rất nhiều người tại Anh, Mỹ, Pháp cũng bị mất điện thoại, và tất cả đều lần ra dấu tích cuối cùng: ở Hoa Cường Bắc. Một số người thậm chí còn nhận được tin nhắn từ người lạ ở TQ yêu cầu
gỡ khóa iCloud hoặc xóa thiết bị khỏi hệ thống
"Find My iPhone".
Những nạn nhân này bất đắc dĩ đã trở thành mắt xích cuối cùng trong một chuỗi cung ứng điện thoại cũ mà điểm đến là những quầy hàng nhỏ chen chúc trong các trung tâm mua sắm như tòa nhà
Feiyang Times,
"tòa nhà chứa toàn bộ iPhone bị lấy cắp".
Lối vào tòa nhà Feiyang Times, nơi có một khu chợ bán iPhone cũ.
Biến rác thành vàng
Tại Thâm Quyến, mỗi bộ phận trong một chiếc điện thoại, dù là màn hình, bo mạch, chip, thậm chí cả lớp nhựa vỏ, đều có thể tiêu thụ được. Thợ chuyên tháo máy, kiểm tra phụ tùng linh kiện, cho phân loại, sau đó đem bán cho các tiệm sửa khác hoặc sử dụng để lắp ráp phone tân trang mới.
Ngay cả các thiết bị đã bị khóa hoàn toàn, không thể sử dụng cũng không bị vứt đi. Chúng được coi là
"tài nguyên điện tử quý giá", luôn có người sẵn sàng để mua lại với giá rẻ rồi kiếm lời từ từng con ốc vít.
"Chợ Feiyang" này không phải địa điểm duy nhất. Toàn bộ khu Hoa Cường Bắc rộng khoảng 3 km2 là một
"chợ đen kỹ nghệ điện tử" khổng lồ. Hàng trăm ki-ốt rao bán đủ loại các điện thoại cũ.
Tuy nhiên, các thương gia trong khu vực xác nhận rằng
"Feiyang là nơi chuyên bán iPhone quốc tế với mức giá rẻ hơn, do bị khóa mạng hoặc không đầy đủ phụ kiện". Những chiếc iPhone như vậy rất được săn đón tại các quốc gia có mức thu nhập trung bình, nơi mà người sử dụng chỉ cần điện thoại có camera tốt, lướt web mượt, không bận tâm đến việc gọi điện hay dùng 4G, 5G.
Cửa ngõ cho dòng chảy hàng lậu xuyên biên giới
Trước khi thấy xuất hiện tại Thâm Quyến, phần lớn các iPhone bị mất cắp hoặc đã qua sử dụng đều được tập trung tại Hong Kong. Tại một tòa nhà kỹ nghệ cao 31 tầng ở đường Hung To (Kwun Tong), hàng trăm thương gia quốc tế, từ TQ đại lục đến Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines,... đến tham gia đấu giá điện thoại qua các ứng dụng như
WhatsApp, WeChat, Facebook.
Các lô hàng được chia rõ ràng theo tình trạng:
"Has ID", "No ID", "iCloud Locked",... giúp cho người mua dễ dàng ước tính ra mức lời nếu có thể.
Hong Kong đóng vai trò chiến lược vì có chính sách thương mại tự do, không có thuế nhập khẩu-xuất khẩu, lại có hệ thống hải quan đơn giản. Việc vận chuyển hàng hóa về Thâm Quyến cũng không khó: lô nhỏ có thể mang qua hành lý cá nhân, lô lớn được gửi qua các công ty
"logistics chuyên dụng", thực chất chỉ là hệ thống trung gian nửa hợp pháp, nửa ngầm.
Nhiều quảng cáo trên mạng xã hội TQ công khai đề xuất dịch vụ

Lộ trình đi đến của iPhone bị mất cắp (Minh họa)
"vượt biên linh kiện", để trốn thuế hoặc
"hợp tác với người chuyên chở" để đưa hàng lậu vào nội địa.
Kevin Li, một thương gia từ Thâm Quyến thường xuyên lên Hong Kong để mua điện thoại, có chia sẻ:
"Với các iPhone bị khóa iCloud, quan trọng nhất là mua được với giá rẻ hơn 70% so với loại phone bình thường".
Sau đó, tùy vào tình trạng cụ thể, hoặc tháo linh kiện bán rời, hoặc tìm người mua ở các nước chấp nhận sử dụng iPhone không cần có đầy đủ chức năng.
Li thẳng thắn thừa nhận:
"Phần lớn hàng có ID là máy bị ăn cắp, lấy trộm. Chúng từ Mỹ, Anh, qua Hong Kong rồi được phân phối đi khắp nơi, đặc biệt là Trung Đông và châu Á".
Dù có nhiều quốc gia phương Tây siết chặt việc xử lý nạn trộm điện thoại, như London từng đưa ra con số thống kê giá trị thiệt hại hơn 50 triệu bảng Anh/năm, nhưng chuỗi cung ứng này vẫn tồn tại, nhờ nhu cầu lớn và lợi nhuận hấp dẫn. Trong thế giới kỹ nghệ chợ đen, một chiếc iPhone dù đã bị khóa, hư hỏng, hay
"vô chủ", vẫn luôn là món hàng có giá. Và Hoa Cường Bắc, với tòa nhà Feiyang Times ở trung tâm, vẫn là nơi cho tân trang, tái sinh chúng theo cách thức mà ít có ai sẽ ngờ đến.