Hàng chục nghìn binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc và Nhật Bản có vẻ sẽ trở thành một phần trong các cuộc đàm phán thuế quan của Tổng thống Donald Trump, bất chấp nỗ lực của cả hai nước nhằm tách biệt vấn đề an ninh khỏi thương mại.
Tổng thống Donald Trump trong một chuyến thăm quân đội Mỹ. (Ảnh: Ed Jones)
Trong các bài đăng trên nền tảng Truth Social, ông Trump cho biết việc chia sẻ chi phí quốc phòng sẽ được đưa vào đàm phán, đồng thời nêu vấn đề gánh nặng quốc phòng trong chuyến thăm Washington của các quan chức Nhật Bản trong tuần này.
Nhật Bản hiện đang tiếp nhận khoảng 50.000 binh sĩ Mỹ, còn Hàn Quốc có 28.500 binh sĩ. Cả hai quốc gia đều dựa vào “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ để bảo vệ trước Trung Quốc, Nga và Triều Tiên, và được coi là những yếu tố then chốt trong khả năng triển khai sức mạnh và ảnh hưởng của quân đội Mỹ trong khu vực.
Ông Trump trước đây từng gợi ý rằng ông có thể rút quân nếu các quốc gia này không chi trả thêm, và trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông đã yêu cầu họ phải đóng góp thêm hàng tỷ USD.
Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất của Hàn Quốc Kim Hong-kyun thông báo trước quốc hội rằng Washington chưa chính thức đề xuất đàm phán lại Thỏa thuận Các biện pháp Đặc biệt (SMA) – cơ chế để Hàn Quốc hỗ trợ tài chính cho lực lượng Mỹ đồn trú – nhưng Seoul đang chuẩn bị cho nhiều kịch bản khác nhau.
Bộ trưởng Tài chính Choi Sang-mok trong tuần này cũng nhấn mạnh rằng việc chia sẻ chi phí không nằm trong diện xem xét lại.
Một quan chức chính phủ Nhật Bản cho biết với Reuters rằng Tokyo xem xét chi tiêu quốc phòng là vấn đề tách biệt với thuế quan. “Vốn dĩ đây là những vấn đề riêng biệt,” vị quan chức này nói, ám chỉ rằng chi phí quốc phòng không nên gộp vào đàm phán thương mại.
Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận, chuyển câu hỏi sang Nhà Trắng, nhưng Nhà Trắng không phản hồi.
Ông Danny Russel, chuyên gia tại Viện Chính sách Xã hội châu Á, nhận định việc khơi lại đàm phán quốc phòng là “một chiến thuật gây áp lực có chủ đích” của ông Trump.
“Ông Trump đã nhiều lần khẳng định rằng ông coi các mối quan hệ đồng minh là giao dịch có qua có lại và quyết tâm đòi hỏi lợi ích kinh tế tương xứng với giá trị của ‘chiếc ô’ quốc phòng Mỹ,” ông Russel nhận định.
Trước cuộc bầu cử Mỹ năm ngoái, chính phủ Hàn Quốc và chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Joe Biden đã nhanh chóng ký một thỏa thuận SMA mới có thời hạn 5 năm, theo đó Seoul cam kết tăng đóng góp thêm 8,3%, lên mức 1,47 tỷ USD trong năm đầu tiên, với các năm tiếp theo được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo một quan chức an ninh Hàn Quốc giấu tên, canh bạc đó dường như đã thất bại.
Các đồng minh chủ chốt của Mỹ
Vị quan chức này cho biết chính đội ngũ của ông Biden đã thúc đẩy việc đàm phán sớm, dẫn đến tranh cãi trong nội bộ chính phủ Hàn Quốc, và cuối cùng Seoul quyết định rằng từ chối có thể gây tổn hại đến quan hệ với Washington.
“Giờ đây, nếu buộc phải đàm phán, chúng ta đang làm điều đó từ một mức đóng góp cao hơn so với nếu chúng ta chờ đợi,” quan chức này nói, nhưng nhấn mạnh rằng chính phủ Hàn Quốc hiện tại đúng khi khẳng định việc chia sẻ chi phí không phải là vấn đề cần đàm phán lại.
Hàn Quốc hiện đang dưới sự điều hành của chính phủ lâm thời, sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol bị luận tội và bãi nhiệm trong tháng này vì nỗ lực áp đặt thiết quân luật vào tháng 12 năm ngoái. Cuộc bầu cử tổng thống mới sẽ diễn ra vào ngày 3/6.
Nhật Bản hiện là quốc gia có số lượng binh sĩ Mỹ đồn trú lớn nhất thế giới, bao gồm các phi đội máy bay chiến đấu và nhóm tàu sân bay tấn công duy nhất của Mỹ được triển khai thường trực ở nước ngoài.
Theo thỏa thuận được đàm phán năm 2022 và sẽ hết hạn vào tháng 3/2027, chi phí trung bình hàng năm mà Nhật Bản chi trả cho lực lượng Mỹ vào khoảng 211 tỷ yên (1,48 tỷ USD), số liệu theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản.
Các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, cùng với máy bay chiến đấu và xe thiết giáp, là di sản từ cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Ông Bruce Klingner, cựu chuyên gia phân tích của CIA, hiện công tác tại Trung tâm Di sản Mỹ (Heritage Center), nhận định: “Seoul đã đàm phán lại SMA sớm hơn một năm nhằm khóa chặt các điều khoản có lợi trước khả năng ông Trump tái đắc cử.”
“Việc thỏa thuận quốc phòng bị mở lại và gắn với các vấn đề kinh tế, thương mại sẽ làm gia tăng lo ngại tại Hàn Quốc về những nhượng bộ kinh tế mà họ có thể phải đưa ra cũng như tính bền vững của cam kết quốc phòng từ Mỹ.”, ông bổ sung.
Những nghi vấn về khả năng hoặc thiện chí của Mỹ trong việc bảo vệ Hàn Quốc trước Triều Tiên – quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân – đã làm dấy lên những lời kêu gọi mới yêu cầu Seoul phát triển vũ khí hạt nhân riêng.
Các chuyên gia cho rằng đàm phán với chính quyền ông Trump càng trở nên phức tạp hơn do có nhiều tranh cãi về sự thật.
Ông Klingner cho biết ông Trump đã trích dẫn sai mức thuế suất hiệu quả của Hàn Quốc trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ, và bài đăng trên mạng xã hội gần đây của ông cũng nhầm lẫn khi cho rằng các khoản đóng góp chia sẻ chi phí bắt đầu từ nhiệm kỳ của mình và bị chính quyền ông Biden chấm dứt.
Trên thực tế, các thỏa thuận SMA đã bắt đầu từ năm 1991 và thỏa thuận được ký năm ngoái là thỏa thuận thứ 12 giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ tuần trước, Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) cũng như Tư lệnh toàn bộ lực lượng Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã đánh giá cao những đóng góp của Hàn Quốc cho ngân sách quốc phòng, cũng như các đơn hàng mua vũ khí và máy bay chiến đấu Mỹ.
“Những khoản đầu tư chiến lược này nhấn mạnh mối quan hệ đối tác bền chặt giữa hai quốc gia chúng ta,” Đại tướng Xavier Brunson, Tư lệnh USFK, phát biểu.
VietBF@ sưu tập