(ĐSPL) - Thời ấy dân Sài Gòn thường gọi là những bông hoa trong vườn hoa gồm đủ hương, đủ sắc. Đặc biệt là có hoa làm ngây ngất mọi người, nhưng cũng có những bông hoa hương tuy thơm nhưng có chất cực độc...
Theo cách gọi cho dễ nhớ của người Sài Gòn thời xưa thì bốn người đẹp được liệt kê hàng đầu là Ba Trà, Tư Nhị, Sáu Hương và Lucie P. Nhưng thật ra cùng thời với họ còn có những cái tên lừng lẫy như Hai Thời, Ba Pho, Tư Ăng Lê, Ba Cù Là, Mari Huê và cả một cô có cái tên rặt Tây là Chapuis...
Kể về họ thì có lẽ còn lâu mới hết chuyện. Bởi họ là những người mà vào thời ấy dân Sài Gòn thường gọi là những bông hoa trong vườn hoa gồm đủ hương, đủ sắc. Đặc biệt là có hoa làm ngây ngất mọi người, nhưng cũng có những bông hoa hương tuy thơm nhưng có chất cực độc cho nên ai tới gần ngửi phải, nếm phải thì thân không tàn cũng thành ma dại...

"Cặp bài trùng" giai nhân rủ nhau thỉnh bùa nuôi ngải.
Như những chuyện liên quan tới cô Ba Trà ở đoạn trước, kỳ này tôi xin kể thêm hai người nữa cũng dính dáng, gần gũi và có kết thúc ở đoạn cuối cuộc đời gần giống như cô Ba Trà. Đó là cô Tư Nhị và người đẹp được gọi là Lucie P. Trước khi kể về đoạn đời sôi nổi và lâm ly của cô Tư Nhị mà thời đó có người còn gọi cô với cái tên là cô Tư Ngải Miên. Đơn giản bởi vì Tư Nhị là người Việt Nam nhưng sinh ra ở Nam Vang (tức Pnom Penh ngày nay). Và khi về đất Sài Gòn để lập nghiệp theo chân cô Ba Trà, thì ngoài cái tên Tư Nhị ra cô còn có cái tên là cô Tư Ngải Miên. Bởi gốc gác của cô là từ đất Cao Miên về Sài Gòn lập nghiệp.
Còn riêng cô Lucie P. thì tên ta của cô ta là gì không nghe mọi người kể, cho nên nhiều người cho rằng cái chữ P. viết tắt của cô ta chính là tên riêng bí ẩn gốc Việt của cô ả, nhưng không phải vậy. Lucie ở đây là cái tên Tây trăm phần trăm, mà thời đó gặp phong trào người Việt Nam mình sính dùng tên Tây kèm theo tên Việt của mình, cho nên cô nào ngoài tên cúng cơm ra cũng đều kèm theo một cái tên Tây phía trước. Trường hợp của cô Lucie này thì cũng giống như vậy. Nhưng riêng cái tên Việt của cô thì người ta không nhắc mà cô nàng lại thành danh với tên gọi là Lucie P. Thật ra cái chữ P. viết tắt này là theo nghĩa chữ băng đô của Pháp (Bandeau) có nghĩa là cái băng tóc trên đầu.
Sở dĩ cô nàng có cái tên lai căng vừa Tây lại vừa kèm với tên của một trang sức là cái băng đô như vừa kể, là do cô này từ năm mười lăm mười sáu tuổi, chẳng hiểu do bị đánh hay nghịch ngợm mà mang một cái thẹo trên trán. Tuy không lớn lắm nhưng khi trổ mã con gái, da dẻ lại trắng hồng cho nên sợ cái thẹo nằm vắt ngang trên trán nó làm mất đi cái nét con gái vừa trổ mã. Cho nên cô nàng đã sắm một cái băng đô màu sắc thay đổi theo mỗi màu áo cô ta mặc, để rồi trở thành một biểu tượng, và sau này khi cô ta thành danh với cái tên Lucie rất Tây ấy, thì cũng kèm luôn cái chữ băng đô bên cạnh, để rồi thành một cặp từ gọi là Lucie Bandeau. Cái tên nếu dịch nghĩa thì là Lucie cái băng đầu, nghe hơi kỳ cho nên cô ta vẫn thích mọi người gọi là Lucie băng đô hơn.
Trở lại chuyện cô Tư Nhị: Khi Ba Trà đã nổi danh, cô vừa cặp với Bạch Công Tử, vừa cặp với một ông Tây giàu sụ và vài ông trọc phú khác nữa, và nổi tiếng như cồn. Một hôm có một cô gái tuổi khoảng mười bảy, mười tám xuất hiện ở nhà bà mẹ nuôi của Ba Trà, và bà mẹ nuôi này đã phấn khởi giới thiệu rằng đây là Madam Oiselle Nhị (có nghĩa là cô gái trẻ) từ Nam Vang tìm về đây để học nghề chị Ba. Ba Trà hiểu rằng bà mẹ nuôi mình nói vậy có nghĩa là Nhị không quản đường xá xa xôi từ bên xứ Cao Miên về Sài Gòn, chỉ nhằm mục đích thọ giáo mình.
Đức Nguyễn