Mỹ cùng các nước G7 đã mạnh mẽ lên án “cuộc chiến tàn bạo kéo dài của Nga tại Ukraine” và cam kết tăng cường trừng phạt nếu Điện Kremlin không sớm đồng ý ngừng bắn. Tuyên bố tại G7 đánh dấu sự thay đổi chiến lược đáng chú ý trong cách tiếp cận của chính quyền Trump với cuộc chiến Ukraine.
Cụ thể, trong một tuyên bố bất ngờ sau Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Canada, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cùng các lãnh đạo tài chính của nhóm 7 nền kinh tế phát triển đã mạnh mẽ lên án “cuộc chiến tàn bạo kéo dài của Nga tại Ukraine” và cam kết tăng cường trừng phạt nếu Điện Kremlin không sớm đồng ý ngừng bắn.
Đây là một bước chuyển quan trọng trong chính sách của chính quyền Trump, vốn trước đó luôn tránh quy kết toàn bộ trách nhiệm cho Nga trong cuộc chiến Ukraine. Chính quyền Trump thậm chí còn từng gọi đây là “khủng hoảng Nga-Ukraine”, đồng thời đề xuất một kế hoạch hòa bình trong đó Ukraine phải nhượng lãnh thổ cho Nga để đổi lấy hòa bình.
Tuy nhiên, tuyên bố chung của G7 hôm 23/5 tại Banff, Canada - có sự tham dự của Bộ trưởng Bessent - đã đi ngược hoàn toàn với lập trường đó:
“Chúng tôi lên án cuộc chiến tàn bạo kéo dài của Nga chống lại Ukraine, và ca ngợi sự kiên cường phi thường của người dân cũng như nền kinh tế Ukraine. G7 cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ không lay chuyển đối với Ukraine trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền, độc lập và quyền tồn tại của nước này – hướng tới một nền hòa bình công bằng và lâu dài", tuyên bố của G7 nhấn mạnh.
Tuyên bố chung của G7 cũng khẳng định: “Nếu một thỏa thuận ngừng bắn không đạt được, chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét mọi biện pháp có thể – bao gồm gia tăng áp lực thông qua các lệnh trừng phạt bổ sung.” Phản ứng trước tuyên bố này, một quan chức phương Tây tại Brussels thở phào: “Tạ ơn Chúa".
Ông Trump chịu sức ép từ châu Âu
Sự thay đổi giọng điệu đáng kể của Mỹ diễn ra trong bối cảnh châu Âu gia tăng sức ép với Washington, khi Tổng thống Putin tiếp tục phớt lờ đề nghị ngừng bắn vô điều kiện do Trump đưa ra từ đầu nhiệm kỳ hai.
Trong 100 ngày đầu tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump và các cố vấn hàng đầu đã không thể đạt được đột phá nào trong việc đàm phán hòa bình. Gần đây, ông còn bày tỏ ý định từ bỏ vai trò trung gian hòa giải, khiến các đồng minh phương Tây thêm lo ngại.
Tuy vậy, theo các nguồn tin ngoại giao, ông Trump gần đây đã đồng thuận với lãnh đạo Anh, Pháp, Đức, Ba Lan và Ukraine rằng nếu Nga tiếp tục trì hoãn hòa đàm, một làn sóng trừng phạt mạnh hơn sẽ được triển khai.
Lời nói và hành động không đồng bộ
Dù ra tuyên bố cứng rắn tại G7, nhưng sự mâu thuẫn về cuộc chiến giữa Nga-Ukraine vẫn hiện hữu trong thông điệp của Nhà Trắng. Trong một cuộc điện đàm gần đây, ông Trump vẫn ca ngợi Tổng thống Putin và bày tỏ mong muốn tăng cường thương mại song phương – thay vì cảnh báo lãnh đạo Nga về hậu quả tiếp diễn chiến tranh.
Sự thiếu nhất quán của Mỹ khiến châu Âu phải tự hành động. Liên minh châu Âu và Anh đã công bố các gói trừng phạt kinh tế mới nhằm vào Moscow, nhắm vào tài sản của các quan chức Nga và mở rộng danh sách cấm vận công nghệ quốc phòng.
VietBF@ sưu tập
VIETBF Diễn Đàn Hay Nhất Của Người Việt Nam
|