Lỡ hứa trong chiến dịch tranh cử rằng sẽ nhanh chóng mang lại hòa bình cho Dải Gaza và Ukraine, Tổng thống Mỹ Donald Trump đến nay dường như nhận ra đó là những nhiệm vụ quá khó. Vì vậy, ông chuyển sang tập trung xử lý một thách thức khác: Kiềm chế chương trình hạt nhân ngày càng phát triển của Iran.
Phái đoàn Mỹ có vòng đàm phán thứ hai với Iran vào ngày 19/4 tại Rome, điều ít ai có thể tưởng tượng sẽ diễn ra nhanh như vậy sau nhiều năm hai bên thù địch với nhau, từ khi ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2018 và thực hiện chiến dịch gây sức ép tối đa với Tehran.
Dù lần này hai bên có thể đạt được tiến triển sau khi đã gặp nhau lần đầu tiên tại Oman tuần trước, nhưng các nhà đàm phán không kỳ vọng sẽ nhanh chóng xuất hiện bước đột phá, để có thể giải quyết dứt điểm quan hệ đối đầu kéo dài hàng thập kỷ.

Một tờ báo Iran đăng ảnh Ngoại trưởng Abbas Araqchi và đặc phái viên Trung Đông của Mỹ Steve Witkoff ngày 12/4. (Ảnh: Reuters)
Reuters dẫn nguồn tin nắm được tình hình trong Nhà Trắng cho biết, cuộc thảo luận của các trợ lý tổng thống Mỹ về khung thỏa thuận hạt nhân tiềm năng vẫn ở giai đoạn đầu. Hai bên có thể nhất trí về một thỏa thuận sơ bộ trước khi chuyển sang đàm phán cụ thể hơn.
Trước khi đàm phán, ông Trump đe dọa sẽ ném bom các địa điểm hạt nhân của Iran nếu không đạt được thỏa thuận. Nếu ông thực hiện lời đe dọa này, Mỹ sẽ bị kéo vào một cuộc xung đột mới ở Trung Đông.
Ngày 17/4, ông Trump cho biết không vội tấn công Iran, nhấn mạnh rằng đàm phán là lựa chọn đầu tiên của ông.
"Nếu có lựa chọn thứ hai, tôi nghĩ sẽ rất tệ cho Iran. Tôi nghĩ Iran muốn đối thoại. Tôi hy vọng họ muốn đối thoại. Sẽ rất tốt nếu họ làm vậy", ông Trump nhấn mạnh tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp Thủ tướng Ý Giorgia Meloni.
Trưởng đoàn đàm phán của Mỹ là ông Steve Witkoff - bạn của Tổng thống Trump. Ông Wirkoff vốn là nhà đầu tư bất động sản chưa có kinh nghiệm ngoại giao trước khi làm việc cho chính quyền đương nhiệm. Một số nhà phân tích gọi ông là "đặc phái viên phụ trách mọi thứ" của chính quyền.
Ông được giao nhiệm vụ chấm dứt cuộc xung đột ở Dải Gaza và Ukraine trước khi đàm phán với Iran. Người dẫn đầu đoàn Iran là Ngoại trưởng Abbas Araqchi, người được đánh giá là nhà đàm phán khôn ngoan khiến một số chuyên gia phương Tây lo ngại sẽ tận dụng được điểm yếu của ông Witkoff về chuyên môn.
"Phải cân bằng giữa Dải Gaza, Ukraine và Iran sẽ là một thách thức lớn đối với bất kỳ ai", ông Jonathan Panikoff, cựu phó giám đốc tình báo quốc gia Mỹ về Trung Đông, nhận xét về nhiệm vụ của ông Witkoff.
"Nhưng điều đó đặc biệt đúng với Iran, xét đến số lượng chi tiết kỹ thuật, lịch sử, các yếu tố địa - chính trị khu vực và tính phức tạp”, ông Panikoff cho biết.
Ông Witkoff có một lợi thế đàm phán đặc biệt: Kết nối trực tiếp với Tổng thống Trump. Điều này báo hiệu với Iran rằng họ đang nhận được quan điểm của nhà lãnh đạo Mỹ từ một người mà ông tin tưởng. Vẫn phải chờ xem liệu điều đó hữu ích đến mức nào cho nỗ lực tiến tới một thỏa thuận.
Không chắc chắn
Những phát biểu mà ông Witkoff đưa ra trong những ngày gần đây làm tăng thêm tính không chắc chắn.
Trước khi bước vào cuộc đàm phán tuần trước, ông Witkoff nói với báo Wall Street Journal rằng ranh giới đỏ sẽ là "vũ khí hóa" chương trình hạt nhân của Iran, có vẻ thấp hơn ngưỡng mà ông Trump đưa ra về dỡ bỏ hoàn toàn chương trình này.
Sau đó, ông Witkoff nói với Fox News rằng Iran có thể được phép làm giàu uranium ở cấp độ thấp, nhưng chỉ khi được kiểm soát nghiêm ngặt. Vài ngày sau, ông lại viết trong bài đăng trên mạng xã hội X rằng Iran phải "loại bỏ" chương trình làm giàu nhiên liệu hạt nhân của họ.
Đáp lại, Ngoại trưởng Araqchi phát biểu rằng "nguyên tắc làm giàu uranium là điều không thể thương lượng".
Các lệnh trừng phạt khắc nghiệt dường như đã khiến Iran – một thành viên OPEC- ngồi vào bàn đàm phán. Nhưng Tehran có vẻ đang bước vào tiến trình đàm phán một cách thận trọng, hoài nghi về cơ hội đạt được thỏa thuận.
Kể từ khi ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Iran trong nhiệm kỳ đầu tiên, Iran đã vượt xa giới hạn làm giàu uranium mà họ cam kết. Nước này được cho là đã làm giàu uranium lên gần mức có thể chế tạo vũ khí.
Một số nhà phân tích cho rằng dù có những trở ngại lớn, việc đạt được thỏa thuận với Iran không phải mục tiêu quá xa vời với ông Trump so với mục tiêu kiến tạo nền hòa bình lâu dài ở Dải Gaza và Ukraine.
VietBF@ sưu tập