Những ngày qua, thông tin về đường dây sản xuất gần 600 loại sữa giả đã được tuồn ra thị trường suốt 4 năm khiến dư luận không khỏi hoang mang. Không ai biết đã có bao nhiêu người, đặc biệt là trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai và người cao tuổi, đã sử dụng phải những sản phẩm độc hại này.
Đáng bức xúc hơn, các bộ ngành liên quan lại đang đùn đẩy trách nhiệm: Bộ Công Thương thì nói “không thuộc đối tượng quản lý”, còn Bộ Y tế thì cho rằng “đã giao phần lớn về địa phương quản lý”. Vậy rốt cuộc, ai là người chịu trách nhiệm? Hay hàng giả ở Việt Nam có thể ngang nhiên tung hoành mà không cơ quan nào có thể (hoặc muốn) quản lý?
Đường dây sản xuất 600 loại sữa giả với số tiền thu lợi bất chính lên tới 500 tỷ đồng đồng nghĩa với việc đã có hàng chục triệu sản phẩm độc hại đến tay người tiêu dùng. Với những loại nguyên liệu và hóa chất không rõ nguồn gốc được đưa vào cơ thể những người có sức đề kháng yếu như trẻ nhỏ, mẹ bầu hay người già, hậu quả sức khỏe là vô cùng nghiêm trọng và khó có thể tưởng tượng nổi.
Ấy vậy mà các cơ quan chức năng lại xem nhẹ sự việc, chỉ lo đẩy trách nhiệm qua lại. Ai cũng biết, nếu không có sự tiếp tay hoặc làm ngơ của một số bộ phận quản lý, thì hàng giả đã không thể dễ dàng len lỏi vào siêu thị, cửa hàng và cả hiệu thuốc suốt 4 năm trời.
Rất nhiều cơ quan từ công an kinh tế, Bộ Công Thương, quản lý thị trường cho đến Bộ Y tế - mỗi năm tiêu tốn bao nhiêu ngân sách từ tiền thuế của dân, nhưng khi người dân, những người trả lương cho họ bị đầu độc bằng sữa giả, thì họ lại im lặng hoặc thoái thác trách nhiệm.
Không khéo, sau cùng lại có kết luận rằng lỗi thuộc về… người tiêu dùng vì không biết chọn sản phẩm uy tín, không kiểm chứng thông tin kỹ càng nên phải tự chịu hậu quả. Còn các bộ ngành lúc nói không thuộc trách nhiệm thì rất nhanh nhẹn tránh né, nhưng khi đến lúc khen thưởng vì “phá được đường dây hàng giả” thì thể nào cũng thấy họ ào ào xuất hiện để nhận công.