Quốc hội Peru không thông qua đề xuất sửa hiến pháp, đồng nghĩa nước này sẽ không thể tổ chức tổng tuyển cử sớm vào năm 2023.
"Dự luật cải cách hiến pháp điều chỉnh nhiệm kỳ tổng thống, phó tổng thống thứ nhất và nghị sĩ đắc cử trong cuộc bỏ phiếu năm 2021, qua đó thiết lập quy trình bỏ phiếu cho tổng tuyển cử năm 2023, đã không được thông qua", Chủ tịch Quốc hội Peru Jose Williams ngày 16/12 thông báo.
Đề xuất cải cách hiến pháp chỉ nhận được 49 phiếu thuận, trong khi có 33 phiếu chống và 25 phiếu trắng. Trong khi đó, dự luật cần tối thiểu 87 phiếu thuận mới được thông qua. Tổng tuyển cử sớm đang là hướng đi được kỳ vọng có thể giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở quốc gia Nam Mỹ.
Tân Tổng thống Dina Boluarte trước đó kêu gọi quốc hội "chọn phương án tốt nhất để rút ngắn thời hạn và đạt cải cách cần thiết" cho tổng tuyển cử. Bà nhấn mạnh hai nhánh hành pháp và lập pháp tại Peru cần hợp tác để giải quyết khủng hoảng.
Quốc hội Peru thông báo đang cân nhắc tổ chức bỏ phiếu lại cho dự luật cải cách hiến pháp.

Quân đội được triển khai để đảm bảo an ninh cho các cơ quan ở thành phố Arequipa, Peru, ngày 14/12. Ảnh: AFP
Dư luận Peru cùng nhiều chính khách ủng hộ tổ chức tổng tuyển cử sớm để bầu tổng thống và quốc hội mới. Quốc gia Nam Mỹ rơi vào khủng hoảng chính trị hôm 7/12, sau khi cựu tổng thống Pedro Castillo bị quốc hội phế truất. Ông trước đó tuyên bố giải tán quốc hội để ngăn bị luận tội vì cáo buộc tham nhũng.
Ông Castillo bị bắt trên đường tới đại sứ quán Mexico xin tị nạn. Phó tổng thống Boluarte được chọn làm người kế nhiệm và tuyên thệ nhậm chức ngay sau đó. Tòa án Tối cao Peru ngày 15/12 ra phán quyết tạm giam cựu tổng thống 18 tháng chờ xét xử, sau khi thời hạn 7 ngày ban đầu kết thúc hôm 14/12.
Làn sóng biểu tình ủng hộ ông Castillo đã bùng phát và leo thang bạo lực trong tuần qua, ước tính khiến ít nhất 20 người thiệt mạng và 340 người bị thương. Giới chức Peru ngày 14/12 tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc, cho phép quân đội hỗ trợ cảnh sát duy trì trật tự tại quốc gia này.