Từ khi hủ tục nhà gái mang tiền hồi môn cho nhà trai bị hủy bỏ năm 2004. Cuộc sống dân làng Babawayli thay đổi tốt hơn. Không có báo cáo về nạn bạo hành phụ nữ hay ly hôn.
Babawayil nằm ở khu vực chân núi Zabarwan bên sông Sind, là ngôi làng điển hình ở Kashmir do Ấn Độ quản lý. Mỗi ngày ở làng Babawayil, nhiều nhóm đàn ông và phụ nữ ngồi trên bãi cỏ đập những quả óc chó vỏ xanh mới hái từ những cây đại thụ che bóng cho ngôi làng. Những người khác bận rộn thu hoạch lúa trên đồng. Hầu hết 150 hộ gia đình trong làng sống bằng nghề nông và dệt khăn choàng pashmina.
Tuy nhiên, Babawayil là một trong những nơi hiếm hoi ở miền nam Ấn Độ ban lệnh cấm với tập tục trao của hồi môn và bãi bỏ việc tổ chức những đám cưới xa hoa. Hôn lễ ở khu vực này từng rất tốn kém, có thể ngốn hết khoản tiết kiệm của gia đình. Tiền được chi vào việc chuẩn bị những bữa ăn công phu phục vụ hàng trăm khách mời đám cưới, bao gồm họ hàng, bạn bè và hàng xóm. Thông thường, một phần của tục trao của hồi môn quy định gia đình cô dâu mang nhiều món quà gồm vật dụng gia đình, trang sức, tiền và đôi khi là cả ôtô đến tặng chú rể. Thông thường, đám cưới chỉ diễn ra sau khi thỏa thuận về hồi môn được thống nhất. Của hồi môn được xem là bất hợp pháp ở Ấn Độ 60 năm qua, nhưng đã ăn sâu vào đời sống người dân nước này. Ước tính mỗi ngày có 20 phụ nữ bị sát hại hoặc tự tử vì những đòi hỏi về của hồi môn. Mỗi năm nước này ghi nhận hơn 8.000 ca tử vong liên quan tới của hồi môn.
"Những câu chuyện về hồi môn và đám cưới đắt tiền ở đây thật đáng lo ngại. Tôi luôn tự hỏi làm sao để dựng vợ gả chồng cho con cái mình với những truyền thống này", Bashir Ahmad, giáo sĩ của nhà thờ Hồi giáo trong làng, nói.
Ahmad là một trong 20 bô lão trong làng từng tổ chức cuộc họp vào mùa đông 2004 để thảo luận cách nào ngăn chặn những "hủ tục xấu xa" này. Sau nhiều ngày họp bàn, họ trình bày ý kiến với dân làng, đề xuất nhà gái không cần phải trả bất cứ khoản hồi môn nào trước lễ cưới. Trong khi đó, nhà trai nên đưa nhà gái một khoản tiền là 15.000 rupee (200 USD). Ngoài ra, nhà trai còn phải chuẩn bị 50 kg thịt lợn, 40 kg gạo cho tiệc cưới và chỉ 40 người phía gia đình chú rể được tham dự.
Dân làng Babawayil lập tức hưởng ứng quy định mới. Từ đó, không có đám cưới xa hoa và cũng không có khoản hồi môn nào được dâng nộp trong làng.
Năm ngoái, Babawayil lại cập những quy định mới. Hiện số tiền nhà trai phải đưa nhà gái tăng lên 50.000 rupee do lạm phát. Ngoài ra, sẽ không có tiệc cưới nào được tổ chức, chỉ có ngày giờ và tiệc trà. Chú rể sẽ chỉ đi sang nhà gái với ba người khác. "Tôi tự hào khi tất cả mọi người trong làng đều tuân thủ quy định này", Ahmad nói. Hai con gái và hai con trai của ông cũng lập gia đình trong vài năm qua.
Dân làng cho biết từ khi các luật lệ trên được ban hành năm 2004, không có vụ bạo lực, lạm dụng phụ nữ nào được ghi nhận trong làng. Ngoài ra, cũng không có cặp vợ chồng nào ly hôn. Theo ông Ahmad, bất cứ ai không tuân thủ những quy định này sẽ bị cộng đồng tẩy chay.
"Chúng tôi lấy cảm hứng từ chính tôn giáo của mình", Iqra Altaf, 25 tuổi, một cô gái đã tốt nghiệp đại học và vừa kết hôn, cho biết. "Những tập tục như của hồi môn hay tổ chức đám cưới xa hoa, hoành tráng chỉ khiến cuộc sống phụ nữ thêm khó khăn. Những vụ phạm tội, thái độ phân biệt với phụ nữ sẽ xảy ra, thậm chí người ta không muốn sinh con gái. Chúng ta cần chấm dứt mối đe dọa này".
Altaf cho biết cô thậm chí đã đề nghị chồng cho ít hơn so với quy định vào ngày cưới của họ để làm gương cho những người khác.
Dân làng Babawayil cho biết họ vui khi thấy cuộc sống mọi người thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn. "Chúng tôi hài lòng vì các con gái mình không phải đối mặt bất kỳ sự quấy rối nào. Người dân thay vì phải chi khoản tiền lớn cho chuyện cưới xin thì có thể dùng tiền tiết kiệm vào những việc có ích hơn, chẳng hạn như đầu tư giáo dục cho con cái. Tôi cũng đang cố thuyết phục họ hàng mình ở những ngôi làng khác hãy tổ chức đám cưới đơn giản. Tôi muốn thấy vùng Kashmir thay đổi trước khi rời khỏi thế giới này", ông Nabi Shah, một quan chức chính quyền 65 tuổi đã về hưu trong làng, nói.