Chiếc xe bon bon chạy qua mỗi ngả đường ở Montreal, Canada, quê hương thứ hai thân yêu của tôi, tôi ngừng xe lại ở góc đường Laird và Jean-Talon, ngắm nhìn một chứng tích lịch sử và văn hóa của cộng đồng người Việt tỵ nạn Cộng Sản, nơi mà cộng đồng người Việt biểu dương sức mạnh, đoàn kết và ghi nhớ công ơn những người đã nằm xuống vì tự do của con em mai sau.
Bức tượng này mới được xây dựng và khánh thành không lâu vào những năm dịch bệnh chưa hết hẳn: tháng 8/2021, người mẹ ngồi bên cạnh một em nhỏ, với quyển sách trên tay đang rộng mở ví như hình ảnh của người mẹ thế hệ trước dạy dỗ, truyền đạt lại văn hóa, lịch sử, truyền thống của 4000 năm văn hiến của nước Việt cho những thế hệ sau. Tượng đúc hai mẹ con bằng đồng không rỉ sét theo thời tiết thay đổi từng mùa của xứ sở lá phong được đặt ngồi trên một bục hình dáng oval cao khoảng 60 cm, nền lót bằng đá granite, trên ấy có ghi ra những tấm bảng đề tên của những mạnh thường quân, những người vượt biên đã nằm xuống vì tương lai hậu thế. Bên cạnh hình hai mẹ con là một bia tam giác cao nhọn vươn lên bầu trời tự do, tượng trưng cho mũi con thuyền hướng đến tương lai, niềm hi vọng tốt đẹp của những người Việt xa xứ.
Kể từ 30 tháng tư 1975, vốn là một cột mốc không thể nào quên của tất cả người tỵ nạn Việt Nam trên thế giới. 50 năm trôi qua, vết thương vẫn chưa lành hẳn mỗi khi nhắc đến, người Việt xa xứ vẫn phải băng bó lại để tiếp tục sống tiếp sức cho tương lai của con cái mình.
Cộng đồng người Việt khắp mọi tỉnh bang ở Canada nói chung, vùng Montreal nói riêng đã từng bước, kêu gọi nhau, cùng chung tay mở ra những shopping mall, hàng quán tại một nơi nhất định như trên đường Cote Des Neiges tụ tập những tiệm phở, café, tiệm nail, giặt ủi, tiêm vàng, đổi tiền, chợ Việt, quán karaoke, tất cả đều do người Việt làm chủ.
Tôi bồi hồi nhớ lại những năm tháng mới chân ướt chân ráo qua tới Canada, muốn tìm một quán phở, một cái chợ nhỏ Việt Nam cũng không ra, nghe ai nói tiếng Việt là mừng lắm, vội vàng làm quen và lấy số phone để mời về nhà nói chuyện, nhắc lại kỷ niệm về quê hương xa xôi bên kia bờ Đại dương. Vậy mà bây giờ, sau 50 năm nhan nhản những cửa tiệm đề bảng hiệu Việt Nam mọc lên như nấm, tưởng tượng như mình đang đi giữa phố chợ Bến Thành, Sài-Gòn xa xưa vậy.
Người Việt toàn Canada có khoảng 250 ngàn người, không nhiều như ở bên Mỹ, họ sống nhiều nhất ở Toronto-On, Vancouver-BC, nhưng riêng Montreal-Qc cũng có gần 50 ngàn người, tập trung nhiều nhất ở khu Cote Des Neiges, St Michel, Rosemont.
Tượng đài thuyền nhân Montreal, 2021. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Không xa nơi đây, ở góc đường Cote de Liesse, một nhà quàn do người Việt làm chủ, những ngôi mộ của người Việt Nam được chôn cất ở đây. 50 năm không phải là ít, hơn nửa đời người, những quân nhân VNCH trước 1975 khi mang vợ con qua bằng đường biển hay ra đi chính thức theo diệng HO lúc ấy ở độ tuổi 40-50 thì nay đã lớn tuổi, lìa trần, nên khi vào nghĩa địa, những nấm mộ đề tên người Việt chiếm lấy một góc rộng. Những người xưa nằm xuống nhưng những người trẻ đã tiếp nối cha ông lớn lên, tiếp tay gầy dựng cơ đồ. Chùa chiền, nhà thờ của cộng đồng Việt cũng được mở rộng thêm để đón tiếp đồng hương mỗi lần Tết hay dịp lễ hội, không những thế mà họ lập những ca đoàn sinh hoạt vào cuối tuần. Dịch vụ nào cũng có, vậy thì Montreal có còn thiếu gì nữa đâu! Nơi đây chính là Sài Gòn thu nhỏ lại mà sạch sẽ, an ninh và đầy niềm tin tưởng ở tương lai nữa.
Những người Việt tỵ nạn đã thực sự
"cắm dùi" ở đất nước Canada, tuy mùa đông lại băng giá như chiếc tủ đá, nhưng tình người thật sự rất nồng ấm, yêu thương và tương trợ tương ái lẫn nhau. Không dễ gì có ai lai đi cho không ai điều gì, nhưng chính phủ Canada lại mở cửa giang tay đón nhận người tỵ nạn khi con người ta đang sa cơ lỡ vận, cánh tay người giúp đỡ đưa ra đầu tiên mới làm cho người nhận mãi mãi tri ân trong lòng!
Người ta thường nói,
"đất lành chim đậu", vợ chồng cô bạn chúng tôi từ khi qua Canada đã mở tiệm nail mặc dù tiếng nói ngôn ngữ chưa rành; dịch vụ này rất ăn khách, cứ là phụ nữ thì phải có bộ móng đẹp, mái tóc uốn chải, cặp lông mi dài. Mỗi lần tôi muốn mời cô đi đâu thật khó vì lúc nào cũng bận kể cả ngày thứ Bảy Chủ nhật vì phải lo cửa tiệm, lo tiếp khách hàng và coi sóc nhân viên… Bù lại là hốt bạc không hết, còn giàu hơn cả nha sĩ hay bác sĩ nữa!
Một cửa tiệm không đủ, cô còn cho mở thêm vài cái nữa, bảo lãnh con cháu từ Việt Nam sang làm, dựng chồng gả vợ cho chúng và cấp cho mỗi cháu một cửa tiệm nail kinh doanh làm ăn. Khi tôi đến thăm, cô khoe một dảy nhà đều do vợ chồng cô làm chủ, mua cho các con cháu đã lập gia đình ở sát bên cạnh nhà cô để chạy qua chạy lại dễ dàng.
Khi đã khá giả, vợ chồng cô đóng góp cho cộng đồng rất nhiều về hiện kim cũng như hiện vật để có thể dựng lên căn nhà chung, có chỗ cho lớp trẻ đến sinh hoạt, tạo điều kiện cho các cháu quen nhau từ lúc nhỏ, dẫn dắt học hỏi, vui chơi văn nghệ nói tiếng Việt hòng duy trì văn hóa truyền thống Việt. Dây cũng là nơi cho các cụ già đến đánh cờ, tập dưỡng sinh.
Từ khi hai vợ chồng vượt biên đến nay, cô đã làm bà ngoại, nội rồi, mấy đời cháu nhưng nhìn vẫn tươi trẻ vì sau 50 năm tất cả đâu vào đấy như một guồng máy đã ăn khớp, nay cô đã có thì giờ rãnh rỗi đi du lịch, hưởng cuộc đời viên mãn.
Người Việt luôn siêng năng, chăm chỉ nên rất dễ đạt thành công trên đất người. Nhiều người vì lớn tuổi muốn sống ở xứ ấm áp hơn, họ đi Mỹ chơi, trốn chạy 6 tháng mùa đông rồi lại trở về, đất nước Canada thật tự do, nhân bản và bảo vệ quyền công dân nên không có ai lo sợ điều gì.
Nói đến Canada, ai cũng phải biết và mang ơn Thượng nghị sĩ
Ngô Thanh Hải, ông là một chính trị gia nổi bật, được Thủ tướng Stephen Harper bổ nhiệm làm Thượng nghị sĩ năm 2012 đại diện cho tỉnh bang Ontario trong Thượng Viện Canada. Ông từng là một vị đứng đầu cộng đồng tích cực trong việc bảo vệ quyền lợi của người tỵ nạn và thúc đẩy các hoạt động từ thiện và văn hóa của người Việt tại Canada. Ông cũng là luật sư và cố vấn về các vấn đề pháp lý và quốc tế, với nhiều kinh nghiệm làm việc trong các dự án quốc tế của chính phủ Canada.
Một trong những đóng góp đáng chú ý của ông là dự thảo của dự luật
S219, gọi là
"luật hành trình đến tự do" (Journey to freedom Day Act) nhằm kỷ niệm 30 tháng tư hàng năm. Dự luật này nhằm tưởng niệm những người Việt tỵ nạn và vinh danh đất nước Canada đã mở rộng cửa đón nhận những người tỵ nạn sau năm 1975.
Thượng nghị sĩ
Ngô Thanh Hải được xem là một biểu tượng của sự thành công và cống hiến cho người Việt ở Canada, không chỉ trong vai trò chính trị gia mà còn là một người bảo vệ các giá trị nhân quyền và tự do.
Những ngày Tết truyền thống, hai vợ chồng ông thường đi khắp các tiểu bang Canada để kêu gọi sự đoàn kết, góp công sức của cộng đồng người Việt giữa các tiểu bang để chia sẻ những giá trị về nhân quyền và dân chủ. Cá nhân tôi đã gặp gỡ ông trong một lần gặp mặt ở hội chợ Tết Việt Nam, nói chuyện với ông về sự phát triển của ngành báo chí, văn nghệ của cộng đồng người Việt quốc gia vùng Montreal.
Sau bao nhiêu năm ở Montreal, đi học, đi làm, tôi cũng đã được mời giữ một chức vụ thủ quỹ của cộng đồng người Việt trong vòng 4 năm, tuy nói là thủ quỹ nhưng phải nói ở trong chăn mới biết chăn có rận, những việc không tên đeo bám tôi từ báo chí, văn nghệ, hội thảo, liên lạc với những đối tác v..v.. Có thể nói, thời đó có rất ít người làm công việc thiện nguyện không lương này nên một người phải gánh vác khá nhiều trọng trách. Còn bây giờ cộng đồng đã phát triển tốt, ai lo nhiệm vụ nấy, chỉ giúp nhau khi có những sự kiện quan trọng. Ngoài ra còn có ban giám sát để mọi chi tiêu và quyết định đường hướng đều có ban này xem xét duyệt qua.
Vào thời tôi, Ủy ban đứng đầu cộng đồng toàn những người lớn tuổi về hưu, sự sáng tạo không còn linh động nữa, họ đặt để và nặng phần giáo điều nhiều hơn thực hành; thời bây giờ giới trẻ năng động hơn, kiến thức rộng, ảnh hường của người ngoại quốc về cách suy nghĩ phóng khoáng nên cộng đồng ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Tiếp tục nói về sự thành công của cộng đồng người Việt ở Canada, một số người đã và đang tham gia vào các cấp địa phương và quốc gia như Phó Thị trưởng Nguyễn Đoan Trang của thành phố Cote st Luc, Bộ trưởng y tế của British Columbia. Người Việt ngày càng tham gia tích cực vào những hoạt động cộng đồng, từ thiện gây quỹ, giúp đỡ người cơ lỡ, vô gia cư, tổ chức những bữa cơm tình thương, những buổi sinh hoạt văn nghệ ngoài trời cho những người tàn tất ốm yếu, các bác lớn tuổi, tham gia quyên tiền gây quỹ chống chiến tranh giữa Nga và Ukraine..
Điển hình là vụ xập lều ở khuôn viên tu viện Tây Thiên do thượng tọa Thích Pháp Hòa trụ trì gần Busby, Edmonton mới đầu tháng 8 năm 2024, cho dù không ai lên tiếng xin đóng góp cứu nạn mà cộng đồng người Việt ở khắp các tiểu bang khác trên đất nước Canada đều tự nguyện đóng góp qua việc chuyển ngân qua điện thư của chùa và gọi điện thoại hỏi thăm qua cộng đồng người Việt vùng Edmonton, cho thấy sự kết hợp, nối vòng tay lớn giúp đỡ nghĩa tình giữa những cộng đồng Việt trong cùng một đất nước giàu tình thương này.
Người Việt làm cho cộng đồng mình lớn mạnh lên cũng chính là đóng góp công sức vào xã hội Canada, điều này thì không thể kể xiết vì cha ông ta đã từng dạy,
"Ăn trái nhớ kẻ trồng cây", các sinh viên học sinh gốc Việt đã cố gắng học tập để đạt được thành tích cao, nhận giải thưởng và học bổng, làm gương mẫu cho những sắc tộc khác noi theo, nhất là những ngành nghề nha y dược, hòng làm vẻ vang màu cờ, dân tộc Việt, cũng là một phần tri ân đất nước đã cưu mang bao nhiêu thế hệ.
Ngoài ra một số khoa học gia và giáo sư gốc Việt đã đóng góp cho các lĩnh vực nghiên cứu y học, kỹ thuật và kỹ nghệ, ví dụ một số cá nhân đã được công nhận với những phát minh hoặc nghiên cứu tiên phong trong các lĩnh vực như kỹ nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo và y tế.
Tôi nhẹ nhàng ngồi dưới gốc cây phong lá đỏ của mùa thu, bồi hồi nhớ lại kỷ niệm của gia đình mình. Tôi muốn kể câu chuyện của chính gia đình để thấy được sự giáo dục của cha mẹ từ khi con còn nhỏ sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến suy nghĩ của con trẻ, cộng với lý tưởng cao đẹp đã hình thành trong đầu đứa trẻ từ khi nó bắt đầu nhận thức và suy nghỉ. Đây cũng nói lên sự đóng góp của một trong những cá nhân trong cộng đồng người Việt cho xứ sở Canada:
Năm 16 tuổi, bất ngờ con trai có hỏi tôi:
- Mẹ ơi, hôm nọ có mấy người của quân đội Canada xuống trường, muốn triệu tập tuyển mộ binh sĩ, trong đó có người anh của bạn con mặc đồ lính bộ binh màu xanh rằn ri vào trường rất đẹp, trong quân đội có nhiều ngành nghề, con thích đi lính lắm!
Tôi hoảng hồn khi nghe con nói đến chuyện lính tráng, tôi bị ám ảnh vì hồi còn ở quê hương đã bị bao nhiêu cuộc chiến tranh tàn khốc, bố mẹ tôi đã phải di cư từ Bắc vào Nam năm 1954, rồi cuộc chiến Mậu Thân 1968 gia đình tôi đã phải tản cư, chưa hoàn hồn thì năm 1975 vượt biên tìm tự do, chưa đủ hãi hùng vì chiến tranh hay sao mà giờ đây lại có con vào lính ở nước tạm dung này nữa chứ! Tôi vội vàng bác bỏ ngay:
- Không! không được đâu, con quên ngay việc vào quân đội Canada này đi nhé…
- Tại sao? Con rất muốn mà, đây là lý tưởng của con! Bạn con sẽ đi gia nhập đó!
- Con phải học ra bác sĩ hay nha sĩ như đã hứa với ba mẹ, con không thể đi lính, nghe rõ chưa? Họ sẽ điều con đến Iran, Iraq hay Afghanistan thì sao? Đi đánh nhau hi sinh thân mình vì nước tạm dung này sao?
- Mẹ! mẹ đã từng dạy con sống phải biết ơn đất nước nơi mình sinh ra, phải biết tri ân và trả ơn những người đã kiến thiết, xây dựng nên, tại sao bây giờ quê hương này cần những người như con, mẹ lại cấm không cho con đi?
-…Con có thể nào tập trung học thôi có được không? Đây không phải thật sự là quê hương dân tộc của mẹ…
- Mẹ sai rồi, mẹ đã bỏ người Cộng Sản của nước Việt Nam ra đi, Canada đã bao bọc mẹ từ mấy chục năm nay, con đã được sinh ra và lớn lên ở đây, đất nước này là quê hương chính của con, mẹ đang đi làm, đóng thuế cho đất nước này, có quyền dân chủ, được bao nhiêu lợi ích về y tế, xã hội … Tại sao mẹ lại nói là nước tạm dung? Mẹ còn muốn bỏ để đi đến nơi đâu khác nữa hay sao? Con rất yêu nơi đây, thương quê hương này và con nhất định sẽ thực hiện ý định của mình!
Phúc nói rõ ràng rành mạch bằng tiếng Việt, khiến cho tôi khô cứng cổ họng, không biết phải chống trả lại nó ra sao nữa, nhưng cũng ráng thuyết phục con trai bỏ ý định đi lính, tôi chỉ sợ cháu bị đưa đến những nước đang bị chiến tranh, để rồi bị ảnh hưởng đến đời sống và tinh thần sau này. Tôi càng nói thì hình như sự quyết định của nó càng rõ. Nó là một thằng bé có tinh thần trách nhiệm và thích sinh hoạt công đồng!
Sự lo lắng của tôi đã thành sự thật, khi con trai mang về nhà tờ đơn
"đồng ý" (consent) của phụ huynh cho phép con cái vào quân đội! Cầm tờ đơn này, nước mắt chảy ướt mặt, tôi chỉ có mình con trai, ba nó vì công ăn việc làm rất thường xuyên vắng nhà, mà có hỏi đến thì thể nào ông cũng trả lời
"Con nó muốn thì để nó làm đi". Tôi như người mẹ đơn thân, mọi quyết định, trách nhiệm đổ dồn vào đôi vai, tưởng tượng đến những trận đánh nhau tàn khốc ngoài mặt trận giữa hai bên tả hữu, súng đạn bay vèo vèo, con tôi sẽ là vật tế thân giữa hai lằn đạn!… Làm sao tôi chịu đựng nổi nếu con mình có làm sao!
Lòng thương con và sự lo lắng làm cho tôi không ngủ được cả tuần lễ, hai mắt quầng thâm, má hóp, tôi đi làm mặt mày ủ rũ, khách đến cũng không nhận ra người cố vấn đầu tư nhà bank của họ gặp phải chuyện gì mà thường ngày lịch thiệp, tươi cười tiếp đón với sự tự tin, nay thì nhìn như xác không hồn. Khi nói chuyện về con cái gia đình với khách, nước mắt tôi đong đầy, lúc nào cũng chực trào ra như tâm sự đang uất nghẹn ngang cổ họng!
Ông khách hàng người bản xứ quen thân, trấn an tôi:
- Cô đừng lo, như cô biết đó, Canada là một nước rất yêu hòa bình, dân chủ, họ không thể nào đẩy người dân hay quân đội của họ đi xâm lược một đất nước nào đâu, nhưng tham gia tích cực trong sứ mạng gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo và liên minh quốc tế để bảo vệ an ninh toàn cầu. Việc gửi quân đội đi nước ngoài mà chúng ta thường nghe TV nói chỉ là giúp đỡ và bảo vệ thường dân, khắc phục hậu quả chiến tranh và thiên tai…Tôi cũng có một đứa cháu gia nhập quân đội, họ dạy dỗ thằng bé thật nên người, nói năng điềm đạm, có tinh thần trách nhiệm, không còn là thằng bé hay khóc nhè hồi xưa nữa, biết giúp đỡ mọi người chung quanh, nó lớn hẳn lên, vững chắc và trưởng thành, tôi và mẹ nó rất vui và hài lòng vì thành quả hôm nay. Cô có cuộc sống riêng của mình, nó cũng vậy, phải có lý tưởng, hoài bão của tuổi trẻ của nó chứ, hãy để cho nó thực hiện mong ước của nó thì mới có nhiều kinh nghiệm sống!
Ông khách giải thích cho tôi 10 điều hay, tôi ráng chống cự lại, chỉ muốn tiếp thu một phần nhỏ mà thôi, tôi không thể chấp nhận được khi chính tôi đã cực nhọc nuôi con khôn lớn, xúc cho nó từng muỗng cháo, muỗng cơm, nay vừa trưởng thành lại gởi đi một nơi có chiến tranh mà phần chết lại có thể nhiều hơn phần sống!
Ông ta lại thuyết phục cho tôi bớt lo:
- Cô đừng nên nghĩ là ai họ cũng gởi đi đến đất nước xa xôi đó nhé! Chỉ những người nào làm phận sự tác chiến như Bộ binh, Hải quân, v..v.. thì mới bị gởi đi, còn nếu là nghiệp vụ dân sự thì khó có thể gởi đi xa, chỉ phục vụ cho quân đội trong nước thôi, ví dụ bác sĩ, nha sĩ, quân đội đang thiếu thốn, họ sẽ không gởi đi đâu!…Cô cứ để cho nó đi, sau này không những cô mà cả cộng đồng Việt Nam sẽ rất hãnh diện về lòng yêu nước, sự đóng góp hữu ích của nó đấy!
***
Nhìn tờ đơn vô tri trên bàn, lòng tôi xoắn lại, đau nhói, có ai cùng cảm giác mới hiểu được! Chả lẽ ngày nào nó đi học về tôi cũng phải trốn trong phòng để đừng gặp mặt nó, để đừng bị nó hỏi:
- Mẹ đã ký chưa?
Tôi trốn nó đến bao giờ đây? Đã 10 ngày trôi qua, tôi đã tránh nói chuyện với con, tôi phải đối đầu với sự thật chứ! Phải làm sao đây!
Cuối cùng, tôi đã… thua. Vì thương con, và để trả ơn đất nước tôi đang sống, tôi đã … ký vào tờ giấy giao con cho quân đội Hoàng gia Gia Nã Đại!
Từ đây thân thể nó không thuộc về người mẹ này nữa, mà là con của đất nước mà nó đã được sinh ra và lớn lên, tôi chỉ là người giúp cho họ nuôi con trai nên người mà thôi. Chính tôi đã dạy dỗ nó phải sống cho thành người có ích cho xã hội, phải biết đóng góp cho cộng đồng, phải biết tri ân tổ quốc, phục vụ và bảo vệ dân tộc. Bây giờ nó đang thực hiện điều đó, tại sao tôi lại đau lòng đến như thế? Tại sao tôi lại ích kỷ chỉ muốn nắm giữ tương lai của nó trong cái suy nghĩ thiển cận, nhỏ hẹp ích kỷ của tôi chứ?
Sau nhiều ngày tâm sự cùng bạn bè, tâm lắng dịu, thấu hiểu cho
"lý tưởng cao đẹp" của đứa con trai…
***
Ngày con trai tốt nghiệp ra trường Nha, chưa kịp hãnh diện, chưa kịp sung sướng hạnh phúc đủ đầy, cũng là ngày chia ly của mẹ con tôi. Đã đến giờ tôi trả nó cho tổ quốc Canada, cho nó khoác trên người bộ đồ lính rằn ri màu xanh lá cây, thấy nó lớn hẳn, rắn rỏi và trưởng thành, đầu đội nón beret, mắt đeo kiếng đen, giống như tấm hình của ba mà nó đã từng mê từ hồi nhỏ lúc 3 tuổi. Nó nheo mắt cười với tôi:
- Mẹ có thấy con giống ai không?
- Biết rồi, con giống người lính là BA chứ gì!
Nó nhoẻn cười với tôi:
- Mẹ ở nhà take care nhé, con sẽ không phone thường xuyên về nhà vì sẽ bận làm việc lắm! Mẹ về đi!
Tôi tần ngần đứng chờ con trai tay xách nách mang bao nhiêu hành lý, vẫy tay chào tôi, vô hẳn bên trong check-in, nước mắt tôi không giữ được nữa, rơi ướt đẫm nhòe nhoẹt, lòng rối bời vì sẽ xa cách con không biết bao lâu. Lần đầu tiên xa nhà đi đến căn cứ (base) đóng quân ở tận Northbay cách Montreal đến 7 tiếng lái xe, đi máy bay chừng 2 tiếng rưỡi, tôi lo cho con, không biết con mình sẽ sống ra sao…
Vâng đến bây giờ, tôi đã chấp nhận và cảm động vì con tôi biết nghĩ đến hai chữ
"tri ân tổ quốc"
***
Những tháng năm cả nước bị nhốt trong nhà, chính phủ cấm không cho tụ họp quá 3 người vì bệnh dịch Covid-19 tràn lan, tôi lo lắng vì con không được về nhà sợ lây bệnh cho tôi, đã vậy, TV và báo đài còn cho biết tình hình trong quân đội có cả chục tân binh bị chết vì bệnh dịch và chưa quen với đời sống khó khăn thiếu thốn của trại vào lúc ấy!
Phúc bị cử đi làm thêm dịch vụ chuyển nhà thương cho những người lớn tuổi, vì ở Viện dưởng lảo hiện tại đang bị nấm mốc, các bác lớn tuổi thiếu sự chăm sóc về vệ sinh cũng như không ai đem cơm đúng giờ, y tá, bác sĩ làm việc quá tải, bệnh, mệt, xin nghỉ việc khá đông, thiếu nhân viên…nên rất nhiều người già bị chết vừa bệnh Covid-19 lẫn bị nghẹt thở vì hít nhầm nấm mốc trên tường.
Cả năm trời chưa gặp con, nay con được cử về Montreal để làm nhiệm vụ giúp đỡ Viện dưởng lảo vì thiếu nhân viên, tôi vội vàng hẹn con ra công viên (park) gần nhà thương vào buổi chiều sau khi xong việc. Tôi khệ nệ khiêng đến cho con năm tô bún bò Huế, món nó rất thích ăn từ lúc nhỏ, dặn con nhớ chia sẻ cho các bạn cùng phòng, đặt lên chiếc băng đá ngoài công viên giỏ đồ ăn, hai mẹ con đứng nhìn nhau cách xa cả chục thước, thấy dáng con trong bộ đồ nhà thương màu xanh dương, bên ngoài bọc bằng lớp nylon to dài như chiếc áo mưa, đầu, tay chân được phủ kín như người đi trên mặt trăng vậy, nó vẫy tay chào mẹ, nụ cười chắc đã dấu kín trong chiếc khẩu trang chỉ thấy được hai con mắt híp lại sau làn bọc nylon, tôi lại chảy nước mắt dài bên trong chiếc khẩu trang, nhớ thương con vô cùng, vì nó đang làm nhiệm vụ, thực hiện lý tưởng cao cả mà nó mong muốn đó!
Trong thời buổi nhiễu nhương ấy, tôi cứ phải nghe ngóng tin tức, hễ thấy con về Montreal làm nhiệm vụ là cho dù có việc quan trọng cách mấy, cũng phải bỏ hết để làm bún bò Huế, phở đem đến tiếp tế cho nó, tôi sợ rằng sẽ không còn dịp để được gặp con nữa, mạng sống thật mong manh, cuộc đời vô thường quá! Tin tức người chết như rạ vì bệnh, vì ho, thiếu oxygen. Hai mẹ con tôi gặp nhau, không thể ôm lấy nhau mà chỉ đứng cách xa năm thước nhìn nhau trong ánh mắt, cố cười… một nụ cười méo xệch!
Cộng đồng người Việt vẫn yên ắng, đình chỉ mọi hoạt động, nhưng mọi người vẫn bên tôi! Biết tôi có đứa con làm nha sĩ trong quân y nhưng vì nhà thương ở Montreal bị thiếu người nên nó mới bị triệu về làm việc một cách bất đắc dĩ, các anh chị trong cộng đồng mỗi người một tay, người thì đem thịt, kẻ đem rau, bánh phở, bún đến để trước cửa nhà cho tôi; lúc ấy hãy còn bị Covid, chợ búa còn đóng cửa, họ giúp tôi trong lúc tối lửa tắt đèn, có đồ để làm tạm vài tô phở, vài tô bún bò Huế đem ra cho thằng bé và các bạn trong đoàn nó. Họ phone tôi:
- Nhà chị có ít thịt trong tủ đá, em cứ lấy dùng cho cháu nhé; chị Huệ cũng gởi em ít bún khô đó…
- Em cám ơn chị quá, các chị thật tốt… làm em cảm động!
- Không phải đâu cô nương, chính là chị trả công cho em vì sự tích cực giúp đỡ cộng đồng trong những màn văn nghệ, những bài báo không công từ xưa đến giờ của em đó.
- Làm việc cho cộng đồng có gì mà kể công hả chị?
- Nhưng chị là phó chủ tịch thì bổn phận là phải nhớ ơn người giúp đắc lực đó em!
Vâng, cộng đồng người Việt Monreal thời tôi là như thế đó, gần gũi, thân ái và tương trợ lẫn nhau.
***
Tôi đã sống hết mình với xứ sở lá phong, nơi đã đón nhận người tỵ nạn, bắt đầu từ con số không, tôi cũng đã hết mình với gia đình, giáo dục con cái phải biết đóng góp, tri ân, trả ơn nghĩa đó; tôi đã sống 40 năm bên cộng đồng người Việt, xây dựng đóng góp từ khi còn thô sơ cho đến hôm nay vẫn…cứ chung tay góp sức vào mọi hoạt động như sự động viên mong muốn của những bậc tiền bối, điển hình là Thượng nghị sĩ
Ngô Thanh Hải.
Cộng đồng càng lớn mạnh thì tiếng nói của dân Việt ở hải ngoại càng có sức thuyết phục trong và ngoài nước. Điều mong muốn của con trai tôi là sẽ lấy thêm những khóa học cao hơn về ngành y, để đào sâu thêm sự hiểu biết, rút kinh nghiệm qua những nghiệp vụ để khi hết hạn trong quân y, sẽ cùng tiếp tay với những chuyên gia nha y dược của cộng đồng người Việt để giúp đỡ và mở rộng kiến thức trong cộng đồng Việt Nam.
Nếu thế hệ thứ ba thành công trong việc thành lập những cơ sở kinh doanh, từ ngành kỹ nghệ, thời trang đến ẩm thực tại Canada hay những nước khác trên thế giới, tức là họ đang góp phần phát triển kinh tế và tạo ra công ăn việc làm cho cộng đồng.
Trách nhiệm tôi đã hoàn tất! Tôi thầm cám ơn đất nước Canada, cám ơn con trai của thế hệ trẻ thứ ba đã rất kiên trì bền bỉ thuyết phục tôi trong mọi vấn đề, chính thế hệ này đang đóng góp tích cực vào sự phát triển của cộng đồng người Việt thông qua nhiều lãnh vực khác nhau. Họ không chỉ gìn giữ phát huy văn hóa Việt mà còn tạo ra những thay đổi tích cực về giáo dục, kinh tế, môi trường và nhân quyền. Nhờ sự kết hợp giữa bản sắc truyền thống và tư duy hiện đại, họ đang xây dựng một cộng đồng người Việt ngày càng vững mạnh và gắn kết trên toàn cầu.
Cuộc đời như mới… sáng hôm nay
Đôi chân chưa hề biết mỏi
Chân ơi! Mang ta tận cùng thế giới
Vẫy cờ hồng, say khúc hát thanh xuân
(Em thời gian, ngừng tay-Lưu Trọng Lư)