
💟Trẻ liên tục ăn vạ
Ăn vạ hay còn gọi là chứng cuồng loạn thường xảy ra bởi nhiều nguyên nhân. Có thể là do trẻ mệt, buồn ngủ, hoặc đói. Và việc cha mẹ từ chối không cho trẻ thứ chúng muốn sẽ dẫn đến bi kịch: một trận ăn vạ bắt đầu. Một người trưởng thành có thể điều khiển được cảm xúc của mình, nhưng hệ thần kinh của trẻ chưa phát triển đầy đủ để có thể làm được điều đó.
Trong tình huống này, dù cha mẹ có cố gắng thu hút sự chú ý của trẻ thì cũng đều vô ích. Việc bạn cần làm là ngăn chặn nó ngay từ đầu bằng cách hướng trẻ vào một việc khác, hoặc bạn có thể để trẻ khóc và tự bình tĩnh lại. Và nếu chọn phương án sau thì cha mẹ không nên nhượng bộ trẻ.
💟Trẻ không chịu ăn
Mặc dù rất háu ăn nhưng đến giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2 thì trẻ không chịu ăn nữa, kể cả món mình yêu thích. Hoặc trẻ không ăn hết phần ăn của mình.
Tình trạng biếng ăn ở trẻ cũng một phần do thói quen cha mẹ thường xuyên ép trẻ ăn. Việc này làm trẻ sợ và cha mẹ sẽ càng làm mọi thứ tồi tệ hơn nếu vẫn cứ cố ép trẻ.
Lời khuyên được đưa ra là đừng ép con ăn nếu trẻ không muốn. Khi được 2 tuổi, trẻ đã biết thế nào là no. Và cha mẹ nên để trẻ được quyết định trong việc ăn của mình.
💟Trẻ liên tục ném đồ đạc
Thứ nhất, trẻ em có hành vi bốc đồng vì não của chúng chưa hoàn thiện. Thứ hai, ném đồ là một kỹ năng tốt mà trẻ cần rèn luyện, vì hành động này giúp các em phát triển vận động tinh, biết phối hợp giữa tay và mắt. Thứ ba, khi ném đồ, trẻ sẽ học được luật nhân – quả, nghĩa là ném nó đi thì nó sẽ rơi xuống.
Việc cha mẹ cần làm là giải thích cho trẻ biết cái nào ném được, cái nào không. Em bé từ 2 tuổi trở lên đã có thể hiểu được điều này.
💟Trẻ khóc không có nguyên do
Hôm nay, cha mẹ không cho trẻ xem phim hoạt hình, chúng bắt đầu khóc toáng lên và la hét đến nỗi bạn phải phạt con. Nhưng bạn lại quên mất một việc, rằng ngày hôm qua bạn đã cho trẻ xem tivi 3 tiếng đồng hồ để chúng không làm phiền khi bạn làm việc.
Trẻ em rất nhớ các quy luật, nhất là với những điều mà chúng thích. Trẻ thật sự không hiểu tại sao lại có sự thay đổi như vậy. Do đó, việc cha mẹ không thỏa mãn mong muốn khiến trẻ cảm thấy thất vọng.
Cha mẹ nên đặt ra các quy định trong gia đình và yêu cầu mọi người cùng tuân thủ. Đừng thay đổi các quy định này liên tục chỉ vì mình là người lớn. Điều này sẽ giúp giảm bớt việc trẻ khóc mà cha mẹ không hiểu nguyên do.
💟Trẻ không nghe lời cha mẹ
Đối với trẻ, chơi chính là học, là cách để chúng khám phá thế giới. Và buổi sáng là thời gian trẻ tràn trề năng lượng nhất. Thế nên, cha mẹ không nên trách mắng nếu con bạn lỡ kéo chân khiến bạn chậm trễ.
Cha mẹ có thể sắp xếp lại lịch sinh hoạt của mình. Chẳng hạn như bạn hãy chịu khó dậy sớm hơn một chút. Còn nếu không thể dậy sớm thì hãy cố gắng hiểu con và cho trẻ chơi ít nhất từ 15 đến 20 phút
💟Trẻ thức dậy giữa đêm
Rối loạn giấc ngủ thường xảy ra do những cảm xúc hoặc những kỹ năng mới học được trong ngày. Nếu một đứa trẻ không muốn ngủ, có lẽ vì chúng đã trải qua những cảm xúc mãnh liệt vào buổi tối. Và đôi khi việc học được một kỹ năng mới cũng khiến trẻ phải thức dậy trong đêm. Các nhà tâm lý học cho rằng trẻ nôn nóng muốn thử các kỹ năng mới đến mức chúng hy sinh giấc ngủ của mình.
Muốn trẻ không bị rối loạn giấc ngủ, cha mẹ nên lập kế hoạch hoạt động trong ngày cho trẻ. Nếu con bạn vẫn không muốn ngủ vào ban đêm thì đừng quát mắng trẻ. Hãy dành thời gian cho con, rồi con sẽ bình tĩnh và ngủ lại.
💟Trẻ lặp đi lặp lại một câu hỏi
Bạn có phát điên không khi trẻ cứ lặp đi lặp lại một câu hỏi? Thật ra, trẻ không cần nghe câu trả lời. Cái mà chúng quan tâm chính là thái độ và sự chú ý của cha mẹ. Đôi khi, người lớn không hiểu ý của trẻ, vì vậy, trẻ sẽ rất thất vọng nếu như không nhận được sự chú ý.
Việc lặp đi lặp lại câu hỏi để cha mẹ trả lời chính là cách tốt nhất để trẻ học từ mới, và theo thời gian, trẻ sẽ biết cách sử dụng từ đó như thế nào cho phù hợp. Ngoài ra, cũng có thể là trẻ đang tập thể dục cho ngữ điệu và âm thanh của mình.
Cha mẹ hãy luôn nhớ rằng sự lặp lại là cách để trẻ học nói thành thạo. Vì thế, hãy khuyến khích con bạn nói và nói chuyện với con. Bởi sẽ đến lúc thời kỳ lặp lại này kết thúc, nhưng nếu cha mẹ phản ứng tiêu cực thì sẽ gây ra vấn đề trong tương lai
💟Trẻ luôn luôn trả lời "Không"
Cha mẹ nên biết rằng thời kỳ "Không" của trẻ chỉ ra rằng trẻ bắt đầu muốn tự khẳng định mình. Nó thường xảy ra khi trẻ ở trong độ tuổi từ 2 đến 3 tuổi. Lúc này trẻ hiểu rằng mình là một cá thể độc lập chứ không phải là một phần của cha mẹ, thế nên trẻ phải khẳng định vị thế của mình trong gia đình.
Vào lúc này, cha mẹ hãy kiên nhẫn và cố gắng khống chế sự nổi loạn của trẻ. Hãy để con bạn tự quyết định và để chúng được tự lập hơn. Thật tốt, khi trẻ tự chọn quần áo và thay đồ khi đi đến trường. Bằng cách này, trẻ sẽ tin tưởng cha mẹ hơn và trở nên tự tin hơn.
VietBF@sưu tập