Trời Hà Nội đục như nước vo gạo, các cụ bảo không phải sương mù đâu, bụi mịn đấy!
Hà Nội là thành ô nhiễm hàng đầu thế giới, rác rưởi kinh người mà chương trình TV cô phát thanh viên vẫn duyên dáng trích dẫn lời ông TBT “Hà Nội phải là đầu tầu trong kỷ nguyên mới vươn mình, xứng đáng với danh hiệu thành phố vì hoà bình, xanh sạch đẹp do UNESCO công nhận”
Ông Tần bình luận:
- Lão Trump ghét mấy cái tổ chức của Liên hợp quốc lắm, WHO, UNESCO… tiêu tiền Mỹ nhưng bị thế giới ngầm, các quốc gia tà ma nó mua chuộc, lũng đoạn hết.
Hà Nội được tôn vinh “xanh sạch đẹp, hoà bình” là một ví dụ, thế giới đại loạn là phải.
Chẳng cứ gì xứ An nam cả thế giới phải thoát khỏi vũng lầy của đạo đức giả, của truyền thông bị bóp méo…
Đây là một đặc điểm của các xã hội hiện nay bị các nhóm lợi ích lấy quyền lực thao túng tâm lý người dân… từ Putin ở Nga, đến cánh tả ở Mỹ, Trung Quốc và cả ở ta - chính tà khó phát hiện, lòng người ly tán tạo ra một mớ hỗn độn và con người mất phương hướng.
Vì vậy phải hết sức tỉnh táo, các cụ đừng phức tạp hoá vấn đề, mọi thứ đều có thuộc tính và bản chất mang tính logic khoa học.
Tôi sang Tokyo, muốn hút thuốc phải ra ngoài đường tìm chỗ được phép. Ngồi hút thuốc tôi nhận thấy Tokyo vắng vẻ, rất ít người đi lại, kể cả ban ngày và thời tiết của Tokyo lúc nào cũng cho cảm giác mát trên da mặt dù trời lạnh hay nóng - cảm giác này chính là từ sự sạch sẽ của môi trường đem đến.
Nên biết rằng trong vùng trung tâm Tokyo diện tích chỉ có hơn 2 nghìn km2 nhưng dân số là 13 triệu người (Hà nội diện tích 3,5 nghìn km2 dân số 8 triệu người) tại sao Hà Nội lúc nào người cũng chen chúc, nêm như nêm cối, ngột ngạt, mịt mù…. đơn giản vì Tokyo họ đã ngầm hoá giao thông,mọi hoạt động đi lại, thậm chí sinh hoạt đều dưới mặt đất.
Vì vậy tôi muốn nói với các cụ, Hà Nội không ngầm hoá được trong thời gian 5 đến 10 năm nữa với lượng ô tô, xe máy được bán vô tư để thu thuế thì vươn mình lên có khi gãy luôn xương sống, xương sườn.
Sông Tô Lịch và nhiều dòng sông nữa vẫn đen ngòm ô nhiễm thì công nghệ số, quản trị nhân tạo AI chỉ là nói cho sang miệng, kỷ nguyên mới chỉ cần làm được những việc đó, đừng dông dài diễn thuyết nhiều quá, nó nhàm.
Nhân tiện đây tôi lại nhắc về vấn đề đạo đức giả.
Vào thế kỷ 15- 16 các triết gia phương Tây đã nghiên cứu về thói đạo đức giả và họ kết luận, khi thói đạo đức giả trở thành nếp sống trong xã hội đó chính là sự mục nát và thối ruỗng trong tầng lớp cầm quyền, báo hiệu về một cuộc cách mạng sẽ diễn ra và điều này được tiên đoán chính xác bằng các cuộc cách mạng tư sản ở Mỹ và phương Tây.
Hôm trước, ông Tô Lâm có nói về 1500 khu tập thể được xây dựng hơn 40 năm ở Hà Nội xuống cấp tàn tạ và trong thái cực kỳ nguy hiểm vẫn tồn tại như một sự lãng phí, và sự thờ ơ vô trách nhiệm một cách không thể chấp nhận được của chính quyền Hà Nội.
Ông ấy nói rất đúng về công tác quản lý xã hội, nhưng bản chất của vấn đề này chính là vấn đề đạo đức, nó không còn che giấu bằng thói đạo đức giả, nó còn kinh khủng hơn đó là sự vô đạo đức đã công khai thách thức trước tính mạng của người dân.
Chính quyền Hà Nội đang thi gan, thách đố sự kiên nhẫn của những người dân bị dồn đến bước đường cùng, sẵn sàng đánh mất tính mạng để tìm đến sự công bằng.
Chính quyền gan lỳ hơn, hay người dân lỳ lợm hơn ?
Để đến khi nào những khu tập thể ấy sập xuống lúc ấy đã muộn.
Tôi nghĩ việc này thật nguy hiểm, khi lòng tin đã bị thách thức giữa chính quyền và dân đấy là hiểm họa, không có tương lai về một kỷ nguyên mới nào có thể vươn mình.
Một cuộc cách mạng thay đổi hệ thống cũng được nhà lãnh Việt Nam nói đến đó là cải cách thể chế, như thế là đúng đường.
Và việc đầu tiên là tinh giản bộ máy, cấu trúc lại hệ thống quản lý hành chính, từ quản lý theo mô hình 3 cấp nay bỏ cấp huyện chỉ còn cấp tỉnh và cấp xã… xem ra rất quyết liệt bỏ qua rất nhiều thủ tục trình duyệt, với phương châm “vừa chạy, vừa xếp hàng”
Tôi rất thú vị với hình ảnh ví von này, nó giống như một trận bóng đá, một số cầu thủ đôn đáo lập hàng rào theo cái vạch trắng của trọng tài vẽ ra, một số khác ùn đẩy, kèm nhau đợi tiếng còi trọng tài trước quả đá phạt ….
Một đội muốn chọc thủng lưới đối phương, đội kia ra sức bảo vệ lưới nhà… còn vị trọng tài chẳng quan tâm đội nào thua hay thắng, miễn là tao đã tuýt còi phải chấp hành, phải coi tao là vua, phản ứng lại tao tống cổ khỏi sân.
Nói cho cùng giải pháp nào thành bại vẫn do con người.
Giải pháp mới, con người cũ, đường đi cũ, đào tạo từ cùng một cái nôi chẳng giống ai, chỉ thuyên chuyển từ vị trí này sang vị trí khác, đơn thuần sắp xếp cơ học khó thành công lắm.
Cần phải có cái đầu canh tân, dám đoạn tuyệt với con đường cũ mới có hy vọng, không chỉ là câu chuyện “đánh bùn sang ao” thay thế nhóm lợi ích này bằng nhóm lợi ích khác.
Cứ ô nhiễm thế này, không biết đến đời con cháu của mình có đủ tồn tại để đón kỷ nguyên mới vươn mình được hay không? Nghĩ mà chán như con gián các cụ ạ.