Con số hơn 100 vụ kiện tương đương với việc Tổng thống Donald Trump và nội các đã bị kiện 3 lần trong mỗi ngày làm việc.
Trong gần hai tháng qua, chính phủ Tổng thống Donald Trump đã đối mặt với hơn 100 vụ kiện liên quan đến chính sách nhập cư, ngân sách liên bang và cải tổ guồng máy chính phủ.
Trong số các đơn kiện, có khoảng 30 vụ liên quan đến chính sách nhập cư, hơn 20 vụ về các quyết định của Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE) do tỷ phú Elon Musk đứng đầu, 10 vụ phản đối chính sách với người chuyển giới và hơn 20 vụ phản đối về những thay đổi đơn phương trong công tác quản lý ngân sách liên bang, tuyển dụng công chức và cơ cấu các cơ quan như Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng.
Tổng thống Donald Trump
Với việc ông Donald Trump ký ra hơn 75 sắc lệnh hành pháp chỉ trong một thời gian ngắn, hệ thống tòa án liên bang đã chứng kiến làn sóng kiện tụng chưa từng có, theo
ABC News cho biết.
Nhiều quyết định của ông đã bị tòa án ngăn chặn lại, đặc biệt là các lệnh cho đóng băng ngân sách hoặc thay đổi các quy định cấp liên bang đã có tồn tại từ lâu. Đồng thời, một số vị thẩm phán cũng cho phép chính phủ đương nhiệm thực hiện một phần kế hoạch cho cải tổ bộ máy công quyền.
Thẩm phán John Coughenour, được bổ nhiệm dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, là người đem đến cho chính quyền mới một trong những thất bại về pháp lý đầu tiên, với việc đưa ra phán quyết ngăn chặn sắc lệnh của ông Donald Trump về quyền công dân theo nơi sinh.
"Điều ngày càng rõ ràng là tổng thống của chúng ta xem hệ thống pháp quyền chỉ là trở ngại cho mục tiêu trong chính sách của mình", thẩm phán Coughenour lên tiếng chỉ trích.
Nhưng không phải thẩm phán nào cũng đưa ra phán quyết dứt khoát dù họ có thể tin rằng chính sách của ông Donald Trump ban hành có thể trái với luật pháp hiện hành. Chẳng hạn, trong vụ kiện phản đối chính quyền ông Trump ra lệnh sa thải hàng ngàn công chức đang tập sự trước khi được bổ nhiệm vào chính ngạch, thẩm phán William Alsup lên tiếng chỉ trích nhưng không đưa ra phán quyết can thiệp nào.
"Cách làm như vậy là không đúng tại nước Mỹ. Ai sẽ muốn làm việc cho một chính phủ chỉ muốn đối xử với nhân viên như vậy?", ông Alsup đặt ra câu hỏi.
Tỷ phú Elon Musk tại Phòng Bầu dục
Số lượng đơn kiện lớn cũng khiến cho tòa án bị quá tải, đặc biệt là tại Tòa án Liên bang Quận Columbia, nơi đã nhận được 51 vụ kiện phản đối chính phủ ông Donald Trump. Thậm chí, thẩm phán Ana Reyes đang công tác tại đây từng dọa phạt một luật sư vì cố ép tòa thụ lý đơn kháng cáo khẩn cấp trong khi nhân viên tòa đã làm việc hết công suất.
Dù chưa có thẩm phán nào đưa ra kết luận Tổng thống Donald Trump đã công khai vi phạm lệnh của tòa, nội các của ông vẫn vấp phải rắc rối khi không tuân thủ một số phán quyết, bao gồm lệnh yêu cầu tiếp tục cho giải ngân ngân sách cho các tiểu bang và lệnh tháo gỡ chuyện nợ 1,9 tỷ USD viện trợ cho nước ngoài cần phải thanh toán.
Hôm 5/3, Tối cao Pháp viện đã bác yêu cầu của chính phủ ông Trump nhằm chặn khoản viện trợ nước ngoài nói trên, đánh dấu lần đầu tiên cơ quan Tư pháp cao nhất ra phán quyết bất lợi cho Tổng thống trong nhiệm kỳ này. Tối cao Pháp viện có 9 thành viên, trong đó 3 người do ông Donald Trump bổ nhiệm trong nhiệm kỳ đầu của ông.
Một số đồng minh của ông Trump, bao gồm Phó Tổng thống JD Vance và tỷ phú Elon Musk, đã lên tiếng chỉ trích hệ thống tòa án. Musk thậm chí còn kêu gọi phải luận tội các thẩm phán ngăn cản chính phủ ông Trump:
"Không ai đứng trên pháp luật, kể cả các thẩm phán".