Ở thời điểm này, người dân sống ở Việt Nam đã quá quen thuộc với hai điều luật nổi tiếng của Bộ luật Hình sự, Điều 117 về
"Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" và Điều 331 đề cập đến
"Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Ảnh quầy báo thời Sài Gòn xưa. (Nguồn: Hội cựu sinh viên QGHC Liên bang Úc châu)
Nhiều người đã bị kết án tù vì hai điều luật này và thực tế chúng chỉ là 2 trong nhiều tội danh được quy ra tội về chính trị của CHXHCNVN ngày nay.
Khoảng 50 năm trước đây, dưới thời Việt Nam Cộng hòa, cũng có một vụ án mà bị cáo bị truy tố vì đã sáng tác một bài thơ
"xâm phạm đến an ninh quốc gia" trong thời chiến. Thế nhưng, miền Nam từng có một cách ứng xử khác biệt.
Câu chuyện dưới đây được kể lại từ cuốc khảo luận tốt nghiệp
"Tìm hiểu về các biện pháp chế tài của Sắc luật 007/72 đối với báo chí", đề là từ niên khóa 1973-1974 của tác giả Nguyễn Văn Tần, cử nhân về báo chí học, Phân khoa Văn hóa và Khoa học Nhân văn, Viện Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn.
Khảo luận tốt nghiệp với đề tài "Tìm hiểu về các biện pháp chế tài của Sắc luật 007/72 đối với báo chí", đề niên khóa 1973-1974 của tác giả Nguyễn Văn Tần. (Ảnh minh họa)
Khảo cứu này đề cập đến nhiều khía cạnh, nhiều câu chuyện khác nhau. Ở đây chúng tôi chỉ sử dụng một phần tư liệu trong khảo cứu để gửi đến độc giả câu chuyện về cách thức tòa án dưới thời chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã ứng xử với những tiếng nói
"xâm phạm đến an ninh quốc gia".
Đó là câu chuyện về một tác giả muốn bày tỏ tình yêu quê hương non nước qua một bài thơ vào thời chiến, sau đó bị truy tố về tội
"xâm phạm đến an ninh quốc gia". Nhưng trong quá trình xét xử, tòa án đã lắng nghe các phân tích của luật sư và sau cùng đã quyết định cho tha bổng.
"Con đường vui"
Trong số báo số 64 và 65 được phát hành tháng Giêng và tháng Hai năm 1972, tờ Nguyệt San Giáo Dục thời Việt Nam Cộng Hòa đã cho đăng bài thơ của tác giả Mai Tâm có tựa đề
"Con đường vui". Tác giả Mai Tâm vốn là chủ bút của tờ báo này, đồng thời cũng là một người tu hành.
Nội dung bài thơ (
giữ nguyên cách bỏ dấu của tác giả Mai Tâm) như sau:
Khi đất nước tôi thanh bình.
Tôi sẽ đi hết các nẽo đường Việt Nam.
Cùng với anh chị em của tôi
Là những người tuổi trẻ quê hương.
Chúng ta sẽ đi xây dựng lại người và dựng lại nhà Việt Nam.
Người đã bị hận thù tàn phá
Nhà đã bị chiến tranh đốt cháy.
Chúng ta sẽ đi đắp lại.
Hết thảy những con đường bị cắt bởi bom làm ở Trung Cộng.
Chúng ta sẽ đi nối lại.
Những nhịp cầu giật đổ vì mìn VA và mìn VN
Chúng ta sẽ đi xây lại làng mạc đốt vì NAPALM Hoa Kỳ
Và những căn nhà sập đổ vì hoả tiễn Nga Sô.
Cùng với anh chị em tuổi trẻ.
Còn sống sót sau 25 năm khói lửa.
Chúng ta sẽ đi lấp hết các hố bom B.52 cày xới đồng ruộng.
Và trám hết các lổ đạn liên thanh và mìn Claymore cày nát đất mẹ.
Để cho mạ non xanh trở lại.
Cho lúa mới thêm lên.
Và hoa nở lại trên đường quê hương.
Chúng ta sẽ đi thâu hết các mãnh bom đạn rãi rác khắp các thành đô và các đồng bằng.
Để rèn đúc lại những nồi cơm và bát đĩa cho con cháu chúng ta dùng.
Cùng nhau chúng ta sẽ làm lại hoà bình trên cõi đất này và trên toàn thế giới.
Chúng ta sẽ đi dựng lại yêu thương giữa anh chị em của chúng ta.
Dầu họ bất cứ là ai.
Mỹ hay Tầu, Nga hay Pháp.
Việt cộng hay Việt Nam.
Để cho chiến tranh chấm dứt luôn.
Cho hận thù chết đi.
Và cho yêu thương sống lại
Trong lòng anh trong lòng em.
Và trong lòng mọi người.
Ở đây và khắp nơi.
Bây giờ và mãi mãi
Cùng anh và cùng em.
Chúng ta sẽ đi.
Làm đẹp tuổi trẻ
Thắp sáng quê hương.
Sáu tháng sau khi bài thơ được ra mắt độc giả, Tòa án Quân sự Mặt trận của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã chính thức truy tố tác giả bài thơ vì tội danh
"xâm phạm đến an ninh quốc gia".
Phiên tòa này đã gây nhiều sự chú ý trong bối cảnh
Sắc luật 007/72 đang được cho áp dụng để xử phạt nhiều tờ báo nào vi phạm. Sắc luật này được ban hành vào năm 1972, có quy định
"không được sử dụng báo chí để phổ biến các luận điệu, các tin tức thất thiệt, hoặc các tin tức có thật nhưng với dụng ý có thể […] làm phương hại đến nền an ninh quốc gia hay trật tự công cộng […] làm suy giảm kỷ luật và tinh thần chiến đấu của quân đội".
Giới trí thức và công chúng miền Nam Việt Nam thời bấy giời đã phê phán gay gắt luật 007/72 này vì đã hạn chế tự do ngôn luận, cản trở hoạt động của giới báo chí. Nhiều số báo chưa kịp phát hành đã bị cho tịch thu tại nhà in. Nhiều chủ bút bị truy tố với lý do vi phạm đến an ninh quốc gia, trật tự công cộng.
Trước đó, vào năm 1972, tờ nhật báo Điện Tín đã bị truy tố với tội danh
"phổ biến tin tức và tài liệu có thể phương hại đến an ninh quốc gia". Cụ thể hơn, tờ báo này đã đưa tin về số lượng bom đạn mà phía Hoa Kỳ đã cho ném xuống Đông Dương và Việt Nam. Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hòa cho rằng con số này quá lớn, không đúng sự thật, gây hoang mang cho dư luận, làm phương hại cho an ninh quốc gia.
Cuối cùng, tòa tuyên phạt người phụ trách tờ báo một năm tù giam.
Quyết định cho tha bổng
Cũng giống như Điều 117 và 331 của Bộ luật Hình sự ở Việt Nam ở ngày nay, Sắc luật 007/72 thời Việt Nam Cộng hòa không có định nghĩa rõ ràng như thế nào là
"làm phương hại đến nền an ninh quốc gia và trật tự công cộng".
Giới học thuật và giới báo chí thời Việt Nam Cộng Hòa đã kịch liệt chỉ trích sự mơ hồ này. Sự kiện tác giả Mai Tâm bị tố cáo
"xâm phạm đến an ninh quốc gia" khiến cho nhiều độc giả thân tín của tờ báo này thấy ngỡ ngàng.
Do vậy, công chúng đang rất trông chờ một phiên tòa công tâm, giúp ích cho các diễn giải luật lệ về sau. Sau nhiều lần cho hoãn, tòa án đã cho mở phiên xử công khai vào ngày 4/3/1974. Luật sư bào chữa cho tác giả Mai Tâm đưa ra các luận điểm như sau:
"Tác giả Mai Tâm chỉ bày tỏ lòng yêu hòa bình qua bài thơ 'Con đường vui'. Yêu hoà bình không phải là một tội ác. Nếu Tòa án Quân sự Mặt trận trừng phạt tác giả Mai Tâm vì lòng yêu nước và ước vọng hoà bình thì vô hình chung đã ám chỉ miền Nam Việt Nam là hiếu chiến".
Trong bài thơ, tác giả lên tiếng phản đối việc sử dụng mọi loại khí giới chiến tranh, dù cho loại vũ khí đó có xuất xứ từ bất cứ phe phái nào trên thế giới.
Bài thơ được phát hành ra vào tháng 1/1973, nhưng đến tháng 9/1973 tác giả mới bị truy tố và đến tháng 3/1974 mới có phiên xử. Trong suốt thời gian từ lúc phát hành bài thơ đến phiên tòa này, bài thơ đã gây hại gì cụ thể đến an ninh quốc gia, bên công tố không thể chỉ ra được.
Cần phải nhấn mạnh rằng, Sắc luật 007/72 vừa được bên công tố viện dẫn để buộc tội tác giả Mai Tâm là sử dụng báo chí để phổ biến các luận điệu làm phương hại đến nền an ninh quốc gia.
Mặt khác, luật sư bào chữa cũng lại sử dụng chính những điều khoản khác trong chính sắc luật này để bảo vệ cho tác giả Mai Tâm. Cụ thể, Sắc luật 007/72 cho phép chính quyền có quyền truy tố những người vi phạm trong vòng 3 tháng. Nguyên văn như sau:
"Điều 64: Công tố quyền và dân tố quyền liên quan đến khinh tội quy định trong luật này sẽ bị tiêu diệt sau ba tháng tròn kể từ ngày phạm pháp, hay kể từ ngày thi thành thủ tục truy tố cuối cùng nếu có".
Cuối cùng, tòa án đã quyết định cho tha bổng tác giả Mai Tâm.
Với việc cho tha bổng tác giả bài thơ, Tòa án Quân sự Mặt trận dưới thời Việt Nam Cộng Hòa đã khẳng định một vai trò tương đối độc lập với chính phủ thời đó. Vụ án này cũng cho thấy tiếng nói của luật sư thường được lắng nghe tại tòa án.
Trang sách mô tả lại vụ án trong bản khảo luận có viết như sau:
Một đất nước chỉ có thể trưởng thành khi lịch sử được các sử gia ghi chép trung thực và trọn vẹn.
Nguồn: luatkhoa.com