Bài viết của Nguyễn Tuấn xin gửi tới quý vị.
Xin hân hạnh giới thiệu đến các bạn một cái note (hơi dài) tôi viết vài năm trước về hành trình từ Việt Nam sang Úc như thế nào. Chuyện là hồi sáng này, đi uống cà phê và gặp một ‘friend’ trên không gian mạng; em ấy nhắc đến câu chuyện tôi rời Việt Nam và những ngày đầu trên đất Úc. Rồi chiều nay, một tình cờ khác, một kí giả cũng hỏi tôi chuyến đi ra sao để chị ấy làm chất liệu viết một bài về ngày 30/4.
Cuộc đời là những ngã rẽ. Đối với tôi, có 3 ngã rẽ quan trọng trong đời. Ngã rẽ thứ nhứt là rời Việt Nam làm 'refugee' vào đầu thập niên 1980. Ngã rẽ thứ hai là cuối thập niên 1990 tôi có dịp quay về Việt Nam và làm nhiều việc có ích. Ngã rẽ thứ ba sẽ diễn ra trong vài năm nữa và có thể xem như là đóng một vòng tròn đi về.
Hôm Quốc Khánh của Úc, nhưng cũng là ngày lịch sử đối với tôi. Hơn 40 năm trước (ngày 26/1/1982), tôi đến Úc bắt đầu hành trình của một ‘refugee’. (Không hiểu sao ngày nay có mấy người tre trẻ xem refugee là nhóm người ‘phản động’, có lẽ họ đã bị tẩy não và mù lịch sử quá lâu?) Bây giờ hồi tưởng lại những ngày đầu tiên trên đất nước này và Thái Lan mà lòng nhiều bồi hồi, và viết một mạch những kỉ niệm đó, từ ngày đến làng chài Budi năm 1981 đến lúc lên chuyến bay Qantas, đến Cabramatta Hostel, vấn đề tiếng Anh, và những suy tư về tương lai. Cái note này là ‘việc làm dang dở’, cứ mỗi năm đến ngày này nhớ cái gì là viết thêm cái đó, và vì thế sẽ cập nhựt hoài.
....

Vèo một cái, tôi đã ở đây 42 năm. Hôm về quê thăm nhà, thằng em họ nó nhắc rằng ngày tôi rời Việt Nam là ngày 16/4/1981 (còn anh Hai tôi thì đi ngày 12/2/1981), tức là năm nay là năm kỉ niệm tôi xa Việt Nam tròn 42 năm. Tôi nghĩ mỗi chúng ta đều có một lịch sử để chia sẻ. Quãng đời 42 năm của một ‘refugee’ càng có trải nghiệm để chia sẻ. Vậy thì tôi có thể chia sẻ cái gì đến các bạn trẻ? Tôi đã trải qua những thách thức và khó khăn nào?
Ngẫm nghĩ lại tôi thấy mình và các bạn cùng thế hệ có 3 khó khăn chánh trong thời gian đầu: tiếng Anh, kì thị và việc làm.
Cái khó khăn lớn nhứt đối với thế hệ tôi và tôi là tiếng Anh. Rất nhiều người Việt thời đó tới Úc không biết tiếng Anh hay chỉ với một chút vốn liếng tiếng Anh thôi. Cái vốn đó chỉ đủ giao tiếp hàng ngày, chớ chưa đủ trong công việc, càng chưa đủ cho việc học hành. Mà, tới Úc ở tuổi thanh niên thì càng khó học tiếng Anh, và đó chính là lí do mà nhiều người đã có nghề nghiệp chuyên môn ở Việt Nam đành phải chấp nhận công việc tay chân trong các hãng xưởng, và nhiều người không quay lại nghề cũ vì tuổi tác.
Cái khó khăn thứ hai là kì thị chủng tộc. Ở Úc có chánh sách “White Australia Policy”, tức là nước Úc của người da trắng. Lúc tôi tới Úc thì chánh sách này mới bị huỷ bỏ, nhưng dư âm của nó vẫn còn. ‘Dư âm’ này có nghĩa là người Úc cảm thấy rất khó chịu trước sự hiện diện của người tị nạn Việt Nam. Một số thì tỏ thái độ ghét ra mặt. Người Việt thích chơi nổi với xe xịn. Và, vậy là có kẻ phao tin nhảm rằng chánh phủ Úc tài trợ cho người tị nạn nên họ mới có những chiếc xe mắc tiền! Họ phao tin rằng bọn Việt Nam vào đây để lấy việc làm của người Úc.
Một số người Việt bị hành hung. Anh bạn tôi bị bọn thanh niên kì thị chận đánh khi trên đường đi làm về nhà. Đó chính là lí do làm cho người Việt đoàn kết lại, tổ chức thành nhiều nhóm để chống lại bọn kì thị. Thời đó công dân có quyền mua súng, và người Việt thì không lạ gì súng ống, mà cũng chẳng sợ chết (toàn dân độc thân mới từ trại tị nạn qua) nên bọn kì thị cũng bị phản công nhiều trận khiến chúng khiếp vía.
Cái khó khăn thứ ba là công việc. Tuyệt đại đa số người Việt tới Úc đều nóng lòng tìm việc làm để có tiền trước là ổn định cuộc sống, sau là gởi về quê nhà. Họ chấp nhận bất cứ việc làm nào, bất kể “low pay” bao nhiêu. Kĩ sư, bác sĩ đi làm công nhân trong các hãng xưởng, thầy giáo đi hái trái cây, sinh viên đi làm lựa thư cho bưu điện, riêng tôi thì làm trong nhà bếp.
Thời đó, Việt Nam bị cấm vận mà cũng nghèo xác xơ vì sai lầm nghiêm trọng trong chánh sách kinh tế đối với miền Nam. (Bây giờ nghĩ lại những sai lầm đó mà tức giận và khó tha thứ cho mấy người cầm đầu). Thành ra, ai ra đi cũng có cái ưu tiên số 1 là giúp đỡ người thân bên quê nhà. Làm được 1 đồng là dành ra 50 cent giúp cho bên nhà. Những thùng quà liên tục được gởi về gần như hàng tháng. Nào là vải may quần áo, quần jean, bánh kẹo, thuốc lá, rượu, thuốc men, v.v. nói chung cái gì cũng cần cho Việt Nam. Những món hàng gởi về Việt Nam thời đó rất đúng với ca khúc của Việt Dũng:
Em gởi về cho anh dăm bao thuốc lá
Anh đốt cuộc đời cháy mòn trên ngón tay
Gởi về cho mẹ dăm chiếc kim may
Mẹ may hộ con tim gan quá đọa đầy
Dù biết rằng gởi quà về là bị mấy cán bộ hải quan chận lại lấy hay ăn cắp, nhưng bà con vẫn gởi. Vẫn gởi vì hi vọng rằng 10 món thì 5 món cũng đến tay người thân. Nhớ lại cái thời đó làm cho người tị nạn có ác cảm với cán bộ hải quan kinh khủng, không hiểu nổi tại sao cũng là con người mà họ man rợ đến nổi lấy thuốc men dành cho người mắc bệnh nguy kịch!
Đó là 3 khó khăn hay rào cản mà người tị nạn thuộc thế hệ tôi gặp trong thời thập niên 1980s. Bây giờ thì thế hệ thứ hai không có vấn đề ngôn ngữ nữa, mà họ cũng góp phần làm sáng cộng đồng người Việt. Ngày nay, các bạn có thể đi bất cứ trường trung học nào thuộc những vùng có đông người Việt đều thấy bảng vàng ghi nhận những học sinh xuất sắc nhứt với họ Nguyen, Tran, Huynh, Pham, v.v. Vào các đại học cũng có những bảng vàng ghi nhận các sinh viên xuất sắc gốc Việt. Người Việt thuộc thế hệ thứ 2 đã hoà nhập vào xã hội Úc và có người đạt những vị trí cao cấp (leadership) trong doanh nghiệp, chánh trường, khoa học, v.v.
Ngày nay thì sự kì thị chủng tộc như vậy không còn nữa, nhưng sự prejudice / thành kiến và ‘glass ceiling’ (rào cản vô hình) thì tôi nghĩ vẫn tồn tại dưới những hình thức tinh vi hơn. Cái hiện tượng glass ceiling là một khó khăn lớn đối với người Á châu nói chung, chớ không chỉ riêng người Việt mình. Nó làm cho người Á châu khó tiến thân trong thế giới khoa bảng phương Tây. Mình cần phải nhận thức được điều này để đấu tranh thẳng thừng.
Ngày nay thì Việt Nam không còn nghèo tột cùng như 40 năm trước nữa, nhưng vẫn chưa phải là nước giàu có gì. Chúng tôi không còn gởi quà cáp về Việt Nam nữa, hay có gởi thì cũng rất chọn lọc (vì Việt Nam đã có gần như tất cả những gì mà bên này có). Nhưng tiền thì vẫn gởi về Việt Nam để yểm trợ bà con.
Từ một làng quê ở miền Tây đến viện Garvan, UNSW, hay UTS hay AAHMS là một quãng đường dài. Trên quãng đường đời đó tôi mang ơn rất nhiều người trong và ngoài nước. Nhưng ơn lớn nhứt vẫn là nước Úc.
Cứ đến ngày này (26/1) là tôi ví như ngày lễ Tạ Ơn bên Mĩ. Ngày mà tôi nói lời cảm ơn nước Úc đã cưu mang mình trong những ngày khó khăn nhứt. Chẳng những cưu mang mà còn cho tôi một cơ hội để đóng góp cho quê hương thứ hai này (và cả quê hương thứ nhứt). Tôi tự xem mình là một kẻ sống sót (survivor). Tôi đã sống qua quãng đời ‘thuyền nhân’, ‘refugee’, phụ bếp, phụ tá trong labo bệnh viện, sinh viên, v.v. Úc giống như đã hồi sanh cho tôi từ một kẻ lang thang trong các trại tị nạn, và cho tôi một căn cước mới: căn cước Úc.
Với cái giấy thông hành và quốc tịch Úc tôi đã có dịp đi qua và làm việc ở những địa chỉ từ ‘vô danh’ đến những địa chỉ lừng danh trên thế giới như Mayo Clinic, UCSF, UCSD, UCI, Âu châu, Hong Kong, Thái Lan, v.v. Với cái prestige của Úc tôi đã được bổ nhiệm vào các vai trò leadership trong các hiệp hội loãng xương Hoa Kì và thế giới, mà chưa có người Việt nào có cơ hội. Cũng với cái prestige của Úc và các viện đại học Úc mà tôi không còn xa lạ gì với các tập san y khoa số 1 trên thế giới như New England Journal of Medicine, Lancet, BMJ, JAMA, Nature, v.v. Nói theo người Tây là “been there, done that”. Tất cả là nhờ Úc. Thành ra, tôi lúc nào cũng tự đáy lòng mình cảm ơn cái quê hương thứ hai này.
Nhưng dù là vậy, tự trong lòng tôi vẫn thấy mình là người Việt hơn là người Úc. Dù thời gian tôi đã ở đây lâu hơn thời gian ở Việt Nam, nhưng tôi vẫn không thấy gắn bó với đất nước này. Dù mang quốc tịch Úc, nhưng tôi không xem mình là người Úc. Dù đất nước này đã cho tôi tất cả và tôi cũng đóng góp cho đất nước này hết mình, nhưng tôi vẫn không gọi Úc bằng hai chữ ‘quê hương’ ngọt ngào. Lăn lộn và cọ xát trong xã hội này lâu như thế nhưng thỉnh thoảng (chỉ thỉnh thoảng thôi) tôi vẫn thấy mình như đứng bên lề. Tôi tự đặt câu hỏi tại sao, và phải lâu lắm mới nghiệm ra điều hiển nhiên là vì mình không sanh ra ở đây, không có quãng thời gian thiếu niên ở đây, và do đó tôi không chia sẻ lịch sử và những giá trị đi kèm lịch sử, nên tôi mới có cảm giác ‘bên lề’ như thế.
Mà, hình như người ngoại quốc cũng không xem tôi là người Úc. Nhớ có lần tôi nói chuyện trong một hội nghị bên Mĩ, chẳng hiểu vì thích hay vì muốn làm quen, họ bao quanh tôi và hỏi tôi là người gì. Khi tôi trả lời là Australian, họ lắt đầu nói ‘Không, tôi muốn hỏi trước đó ông đến từ đâu‘. Khi nói từ Việt Nam thì họ mới hài lòng. Năm kia, tôi được mời đến giảng plenary trong một hội nghị lớn ở Jakarta, ban tổ chức nghiễm nhiên ghi tôi là người đến từ Việt Nam, tôi phải nhắc họ là tôi đến từ Úc, nhưng họ nói ‘Oh, anh là công dân Úc, chứ anh là người Việt Nam, đúng không?’ Khi tôi làm Chair Liên minh Biomedical Science Á châu người ta vẫn xem tôi là người Việt Nam gốc … Đà Nẵng!
Ấy thế mà càng lạ lùng hơn là khi tôi về Việt Nam, nơi tôi nghĩ đó là quê hương, nhưng khi đối diện với thực tế tôi lại thấy mình xa lạ. Xa lạ ngay từ lúc đến phi trường, không chỉ cái không gian lạnh lùng, mà ở cái quầy di trú dành cho người Việt và dành cho người nước ngoài. À, thì ra người ta xem mình là người nước ngoài. Đến khi đặt chân về quê, cảm giác xa lạ càng cao vì những gì trong kí ức của mấy mươi năm trước đã thay đổi và không còn nữa. Nói như Nhà văn Nguyễn Đình Toàn [trong một ca khúc tôi rất thích] là ‘ta mất người như người đã mất tên‘. Bạn bè giờ này họ xem mình là ‘Việt kiều’. Thú thật, tôi không ưa chữ đó, vì nó hàm ý nói như là những kẻ ngoài cuộc. Cũng giống như ‘Hoa kiều’, vốn là những người sống với phương châm mà nhiều người nhạo báng là ‘Nơi nào buôn bán được là quê hương, nơi nào hối lộ được là tổ quốc’. Không ưa chữ ‘Việt kiều’, nhưng tôi cũng hiểu đó là một cách nói ngắn gọn. Nhưng cách nói đó cũng làm cho mình cảm thấy một khoảng cách tinh thần nhứt định với quê hương.
Cho đến bây giờ, dù về Việt Nam làm việc thường xuyên, mà tôi vẫn thấy mình xa lạ ngay trên quê hương mình! Tôi cố gắng tự tìm lời giải thích tại sao, nhưng vẫn chưa đi đến câu trả lời sau cùng. Tuy nhiên, tôi nghĩ có thể đó là một khoảng cách về thế hệ.
Sau 40 năm, một thế hệ mới đã hình thành, và lịch sử mới đã diễn ra. Tôi không thể chia sẻ lịch sử và không có cảm xúc như thế hệ mới. Tôi không chia sẻ cái gu văn hoá nghệ thuật với thế hệ mới. Những bài nhạc họ say sưa hát theo tôi thì không thích; ngược lại, những gì tôi thích thì họ cho là xưa, là sến. Tôi nghĩ chính vì không chia sẻ cảm nhận và giá trị văn hoá như thế nên tôi vẫn là người ngoài cuộc.
Ấy vậy mà tôi vẫn là người trong cuộc. Tôi đọc tin tức hàng ngày ở trong nước, sau khi đọc tin Úc. Tôi vẫn theo dõi những diễn biến ở trong nước với nhiều trăn trở chỉ biết giãi bày trên trang giấy hay màn hình. Tôi thậm chí còn xuất bản sách ở trong nước, và hợp tác với hàng chục đồng nghiệp trong nước. Tôi giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu sinh ở trong nước. Lạ một điều là nhiều khi tôi đi la cà ngoài các quán bình dân ở Sài Gòn, thậm chí cả ở Nam Định, Mỹ Tho và Rạch Giá, mà có người vẫn nhận ra tôi!
Tôi nghiệm ra sau 40 năm mình ở một vị trí chông chênh giữa một bên là quê hương và một bên là nơi an cư lạc nghiệp.
Sáng hôm nay khi tôi vừa thức dậy
Lòng chợt buồn nghĩ tới chuyện ngày xưa.
Quê hương đó vì chiến tranh tan nát
Cả triệu người bỏ nước, bỏ người thân.
Thua trận rồi bao nhiêu người bỏ chạy
Hành trang thì tay xách, bị đeo vai
Bỏ tất cả hy vọng mình còn sống
Đau khổ nhiều để đổi lấy ngày mai.
Người ra đi chẳng ngại vì sương gió
Bao nhiêu đèo sông suối chẳng thể ngăn
Người ra đi nhìn non sông lần cuối
Biển Đông chờ, hy vọng đợi bờ kia.
Thái Bình Dương bờ bên kia xa lắm
Mấy ngàn người chen chúc tầu Trường Xuân
Bến Saigon ngày miền Nam nhuộm đỏ
Người đi khổ, người ở khổ trăm lần.
Người ra đi người sau theo người trước
Giữa đêm đen người ẩn hiện như ma
Tiếng chó kêu đủ mang thân đại họa
Tiếng còi đêm tiếng súng, một đời tàn.
Người ra đi ba miền Trung Nam Bắc
Truyện Thuyền Nhân lịch sử sẽ nhớ đời
Con dâu tôi mười ba lần trốn chạy,
Bao nhiêu người đổi mạng lấy Tự Do.
Bao năm tháng, bao nhiêu người vượt biển
Số phận thì như mành chỉ treo chuông
Sóng đại dương thuyền trôi như chiếc lá
Sóng lật thuyền người chìm đáy đại dương.
Vạn thuyền đi nhưng mấy thuyền cặp bến?
Thuyền qúa đầy sóng biển dễ vùi sâu.
Khổ đầy khoang lại còn thêm cướp biển
Người chết vì hãm hiếp, giết phi tang.
Trại tị nạn bao nhiêu người chen chúc
Chồng chất buồn nước mắt chảy thành sông
Khóc thương nước, khóc thương người chết biển
Cả triệu người buồn khóc nỗi ly hương.
Buồn núi cao nhưng triệu người bước tới
Lao động nhiều quyết xây dựng ngày mai
Triệu người đi mang vận mình vận nước
Đuốc Tự Do thắp sáng khắp địa cầu.
Ngày nào đó là Thuyền Nhân bỏ nước
Hành trang thì tay xách bị đeo vai
Chí kiên cường tạo tương lai rực rỡ
Cha xây đời, con cháu đã thành danh.
Bốn mươi năm bây giờ ngồi ôn lại
Nửa đời người như thể thoáng mây bay.
Cám ơn Người, cám ơn Tình Nhân Loại
Dân Việt tôi công dân khắp địa cầu.
Tác giả: Nguyễn Tuấn
Thơ Nguyễn Nhiên