
Có những chi tiết tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng lại đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giáo dục con cái, và lời phê bình là một trong số đó. Việc nhầm lẫn giữa phê bình và chì chiết, chửi mắng là lỗi rất phổ biến mà các bậc phụ huynh thường mắc phải khi dạy dỗ con.
Phê bình đúng cách là một phương pháp giáo dục vô cùng cần thiết. Thông qua sự phê bình của bố mẹ, trẻ có thể nhận thức được đúng sai, từ đó hiểu rõ hơn về mặt tích cực và tiêu cực của vấn đề. Nếu con trẻ mắc lỗi mà bố mẹ bỏ qua, hoặc tệ hơn, nhân danh tình yêu để dung túng, thì hành động đó sẽ gây hại cho con không biết bao nhiêu mà kể.
Khó khăn lớn nhất trong việc phê bình con cái thực ra lại nằm ở thái độ và cách tiếp cận của bố mẹ. Không nên tùy tiện quát mắng con vô lý, mà cần chú ý đến cách nói năng sao cho trẻ nhận thức được vấn đề, thay vì hình thành tâm lý chán ghét hay chống đối. Khi phê bình con, bố mẹ phải rõ ràng về lập trường: đúng là đúng, sai là sai, phải hợp tình hợp lý và có sức thuyết phục. Tránh trường hợp cùng một sự việc, hôm nay bạn ngăn cấm, phê bình con, nhưng ngày mai lại cho phép. Như thế, không chỉ bạn thiếu nhất quán trong quan điểm, mà đối với trẻ, việc nào đúng, việc nào sai cũng trở nên rất mơ hồ.
Phê bình là một chuyện, nhưng phê bình sao cho đạt hiệu quả tối ưu lại là cả một nghệ thuật. Phê bình có nghĩa là mong muốn thay đổi suy nghĩ, thái độ, và hành động của đối phương. Nếu người nghe chỉ cảm thấy lời phê bình “vào tai này, ra tai kia”, thì những lời ấy coi như mất giá trị. Khi phê bình con, âm sắc giọng nói, nét mặt cũng cần giữ sự chừng mực. Điều chúng ta muốn mang đến cho trẻ khi phê bình không phải là sự chì chiết, mà là một thái độ đúng đắn, có lý lẽ và sức thuyết phục.
Mỗi khi trẻ mắc sai lầm, dù là việc gì đều có những nguyên nhân nhất định. Vì thế, trước khi phê bình, bố mẹ nên cho con cơ hội giãi bày. Điều này giúp bố mẹ tránh được sự chủ quan khi phê bình, đồng thời có thêm cơ hội thấu hiểu diễn biến tâm lý của con một cách sâu sắc hơn.
Vừa giúp con nhận thức và sửa chữa sai lầm, vừa không làm tổn thương lòng tự trọng của con là một thử thách không nhỏ đối với bất kỳ bậc phụ huynh nào. Nhưng việc dạy dỗ một con người nên người vốn dĩ chưa bao giờ dễ dàng. “Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình”, hãy để tình yêu dành cho con dẫn lối, giúp chúng ta – những người làm cha mẹ – cũng được nâng cấp và trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình mỗi ngày.
VietBF@sưu tập