Bốn cua-rơ, bao gồm hai người Việt và hai người Mỹ, sẽ đạp xe đạp 3,004 dặm từ Tây sang Đông, xuyên nước Mỹ, trong hành trình “Dash Across America 2025,” lăn bánh qua 12 tiểu bang trong 21 ngày. Bắt đầu từ Oceanside, California, đến Lincoln Memorial ở Washington DC, để đánh dấu 50 năm người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ và để Tự Do được ghi nhớ. Nhóm cua-rơ sẽ lên đường vào sáng ngày 25 Tháng Năm và đến thủ đô vào 14 Tháng Sáu.
Từ Thái Bình Dương đến Đại Tây Dương
Ông Dzũng Đặng, 65 tuổi, người khởi xướng “Dash Across America,” cho biết cách đây 10 năm, nhân dịp 40 năm người Việt tị nạn, nhóm này cũng làm một chuyến tương tự.
“Năm nay là 50 năm nên càng thêm ý nghĩa đối với chúng tôi. Chúng tôi muốn cho mọi người biết cộng đồng người Việt đã kiên cường và vươn lên như thế nào để thành công ở Hoa Kỳ. Con số 3,004 dặm cũng để tưởng nhớ 30 Tháng Tư,” ông Dzũng tâm tình.
Ông Dzũng là hội trưởng của hội Xe Đạp Việt, được thành lập năm 2012, dành cho những người đam mê đạp xe gồm nhiều sắc dân ở vùng San Jose. Xe Đạp Việt từng tham gia nhiều cuộc đua ở Mỹ và đạp xuyên Việt, từ Sài Gòn đến Hà Nội, để gây quỹ từ thiện.
“Dash Across America 2025” cũng gây quỹ cho hai tổ chức từ thiện là Turning Wheels for Kids và XeDapViet Bicycles For Educational Empowerment, chuyên tặng xe đạp cho trẻ em nghèo ở Mỹ và Việt Nam.
Tham gia với ông Dzũng còn có Bác Sĩ Lâm Đỗ, ông Eugene Bernosky, và bà Kirsten Walker.
“Chúng tôi sẽ khởi hành vào lúc 6 giờ sáng, ở cầu tàu Oceanside Municipal Pier. Nhóm sẽ làm nghi thức nhúng bánh xe sau xuống biển Thái Bình Dương và khi đạp tới Annapolis ở Maryland, sẽ nhúng bánh xe trước xuống biển Đại Tây Dương,” ông Dzũng chia sẻ.
Ông cho biết sở dĩ khởi hành sớm vì để tránh qua vùng sa mạc lúc nắng nóng lên đỉnh điểm khoảng 110 độ F.
“Kinh nghiệm đi qua vùng sa mạc thì chúng tôi thường bỏ đá vào vớ rồi đeo quàng qua cổ để nước đá chảy xuống lưng, cho dịu cơn nóng,” ông nói.
Bốn cua-rơ là những “tay đua” chuyên nghiệp và đều về hưu nên quyết tâm làm cuộc hành trình xuyên các tiểu bang khi còn có thể. Mỗi người mỗi vẻ, có người mạnh về đường trường, có người mạnh về tốc độ.
Bốn người, một hành trình
Ông Dzũng Đặng là một thuyền nhân, đến Mỹ cùng gia đình năm 15 tuổi trên chiếc tàu đánh cá. Gia đình ông từng ở trại tị nạn Fort Chaffee, Arkansa, cho đến khi được bảo lãnh đến Detroit, Michigan.
Ông học đại học Michigan State University, một thời gian sau ông chuyển về San Jose, Bắc California, sinh sống. Sau nhiều năm làm cho các công ty khởi nghiệp, ông chuyển sang làm kỹ sư điện cho Cisco Systems.
Bác Sĩ Lâm Đỗ cùng gia đình rời Sài Gòn năm 9 tuổi và được tàu Mỹ vớt đưa vào vịnh Subic Bay, Philippines, và sau đó đến đảo Guam. Ông từng ở trại tị nạn Fort Chaffee, giống như ông Dzũng. Ông hành nghề cũng được 30 năm.
Ông Eugene Bernosky là một người đồng hành với ông Dzũng trên các nẻo đường cũng như hội Xe Đạp Việt trong một thập niên qua. Ông bị ung thư bàng quang, phải cắt bỏ bàng quang nhưng vẫn kiên trì chơi thể thao, lướt sóng… Ông tham gia hành trình để gây quỹ cho hội “Bladder Cancer Advocacy Network.”
Bà Kirsten Walker, 53 tuổi, bị suyễn, nhưng có niềm đam mê với bộ môn đạp xe và từng tham gia hành trình đạp xe 750 dặm.
Đạp xe xuyên Mỹ, để Tự Do được ghi nhớ
Nói về đích đến Lincoln Memorial, ông Dzũng cho biết vì vị Tổng Thống Abraham Lincoln là người bãi bỏ chế độ nô lệ ở Hoa Kỳ năm 1863 nên rất ý nghĩa cho cuộc hành trình kỷ niệm hai chữ “Tự Do.”
Còn về tập luyện, ông Dzũng nói trung bình họ đạp 300 dặm trong một tuần để tăng sức dẻo dai. “Chúng tôi hầu như tập mỗi ngày nhưng bắt đầu hết hôm nay, 20 Tháng Năm, là sẽ nghỉ ngơi, dưỡng chân chuẩn bị cho hành trình.”
Ông Dzũng cho biết sẽ có một nhóm các cua-rơ đạp đồng hành ở đoạn từ Texas đến Kansas và từ West Virginia đến Washington DC.
Vào ngày 14 Tháng Sáu, Washington DC sẽ đóng đường do diễn binh kỷ niệm 250 Quân Đội Hoa Kỳ nên chương trình có chút thay đổi. Thay vào đó, đoàn sẽ tham gia đạp xe 1 dặm ở Diễn Hành Văn Hóa Quốc Tế New York 2025 (Vietnamese American Cultural Parade).
Ông Dzũng cũng làm một bài thơ về cuộc hành trình với tựa đề “Đạp xe xuyên Mỹ, để Tự Do được ghi nhớ,” với đoạn trích mở đầu như sau:
Từ nơi biển rộng mênh mông
Oceanside sáng ánh hồng bình minh
Lên đường xuyên Mỹ hành trình
Ba nghìn dặm vượt nghĩa tình quê hương
Từng vòng bánh lướt dặm trường
Như tim người đập vấn vương nỗi lòng
Bờ Tây đến tận bờ Đông
Đạp xe tưởng nhớ anh hùng đã qua.
Ông Dzũng cho biết rất hoan nghênh mọi người tham gia cổ vũ đồng hành và giúp lan tỏa thông điệp.
“Chúng ta khởi đầu khiêm tốn, là những người tị nạn, nhưng chúng ta đã không ngừng phát triển và thành công trên nhiều lĩnh vực. Tôi mong thế hệ sau không ngừng tiến xa và đừng bao giờ bỏ cuộc''.