CSVN tiếp tục ra sức tấn công và bôi nhọ ca sĩ hải ngoại Khánh Ly sau khi bà hát một bài "phản động" do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác.
CSVN loan tin, nguyên văn:
Trong những ngày qua, trên các trang mạng xã hội nổi lên vấn đề ca sỹ Khánh Ly trở về Việt Nam sau hơn 40 năm, tại một show diễn tại Đà Lạt hôm 25/6, trước khoảng 1000 khán giả, Khánh Ly đã thể hiện ca khúc Gia tài của Mẹ - Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn với đoạn “Hai mươi năm nội chiến từng ngày”.
Vậy có phải Việt Nam xảy ra nội chiến trong vòng 20 năm? Hay đây là hành động xuyên tạc lịch sử một cách kín đáo, vờ như là vô tình nhằm vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam trong giai đoạn 1954 - 1975? Chúng ta cần nhận thức và hiểu rõ bản chất của vấn đề này.
TRƯỚC TIÊN, cần khẳng định ngay rằng cuộc chiến tranh 1954 – 1975 tại Việt Nam là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam với bên chiến thắng là dân tộc Việt Nam, bên thua cuộc là Đế quốc Mỹ và tay sai, cụ thể ở đây là Chính quyền “Việt Nam Cộng hòa” do Mỹ dựng lên. Luận điệu cuộc chiến tranh ở Việt Nam là “cuộc nội chiến” mà bên thắng cuộc là “miền Bắc”, còn bên thua cuộc là “miền Nam” chỉ là lý sự cùn của các thế lực thù địch, một nhóm đối tượng chống cộng nào đó còn cay cú, ôm hận vì không còn được tận hưởng danh phận của kẻ làm tay sai, hạ thấp ý nghĩa và giá trị của Chiến thắng 30/4/1975 và ngụy biện cho quãng đời làm tay sai cho Mỹ.
Trên thực tế, Mỹ đã có những động thái can thiệp vào nội bộ Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ XX. Trong suốt 21 năm tham chiến tại Việt Nam, nguồn viện trợ của Mỹ đóng vai trò vô cùng to lớn cho nhiệm vụ duy trì cuộc chiến. Theo thống kê, số viện trợ của Mỹ cho chính quyền ngụy Sài Gòn trong 21 năm là 26 tỷ đôla, con số cao nhất của viện trợ Mỹ mà không có bất cứ nước nào khác trên thế giới nhận được kể từ sau đại chiến thế giới lần thứ II. Nước Mỹ đã phải huy động tới 70% biên chế lục quân, 60% số lính thủy đánh bộ, 40% biên chế hải quân và 60% biên chế không quân, cùng với 22.000 xí nghiệp trên đất Mỹ. Số quân Mỹ có mặt ở miền Nam Việt Nam có lúc cao nhất đã lên đến hơn nửa triệu người; còn số thanh niên Mỹ trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã lên tới 6,5 triệu lượt người.
Những con số trên cho thấy đây không phải là cuộc chiến của những người Việt Nam với nhau. Nhiều học giả phương Tây và chính khách Hoa Kỳ cũng thừa nhận đây là cuộc chiến của người Mỹ xâm lược Việt Nam và người Việt Nam chống lại sự xâm lược của người Mỹ.
THỨ HAI, về bản chất của chế độ “Việt Nam Cộng hòa”: Năm 1954, Ngô Đình Diệm được Mỹ đưa về miền Nam làm Thủ tướng của Quốc trưởng Bảo Đại. Một năm sau đó, Diệm làm cái gọi là “trưng cầu dân ý” để phế truất Bảo Đại và lập nên “Việt Nam Cộng hòa”. Tuy nhiên, khác với nền tảng và tính tự chủ của một quốc gia độc lập, thực tế cho thấy, đô la, vũ khí, cố vấn Mỹ là yếu tố nền móng cho việc xây dựng và củng cố chính quyền “Việt Nam Cộng hoà” do Mỹ dựng lên. Đó chính là nguồn sống của chính quyền “Việt Nam Cộng hoà”, không có những nguồn sống ấy, thì chính quyền này không thể tồn tại được. Minh chứng rõ nhất là việc Mỹ rút quân khỏi Việt Nam sau hiệp định Paris năm 1973, các nguồn viện trợ dần bị cắt bỏ và chỉ sau đó 02 năm, chính quyền “Việt Nam Cộng hoà” sụp đổ sau chiến thắng 30/4/1975.
THỨ BA, nếu chỉ là cuộc chiến nội bộ của người Việt Nam thì nhân dân khắp thế giới và kể cả người dân Mỹ đã không có hành động phản chiến quyết liệt. Trong suốt cuộc chiến, có hơn 200 tổ chức, ủy ban, phong trào đoàn kết ủng hộ Việt Nam, hơn 50 nước có phong trào quyên góp ủng hộ Việt Nam, hơn 160 triệu người ở nhiều nước ghi tên tình nguyện sang Việt Nam đánh Mỹ, 83 cơ quan đại diện Mỹ ở các nước bị nhân dân đập phá… Tại Mỹ, có nhiều công dân Mỹ tự thiêu để phản đối cuộc chiến, trong đó có nhân vật nổi tiếng là Norman Morison; hơn 200 tổ chức chống chiến tranh xâm lược trên khắp các bang; 16/27 triệu thanh niên Mỹ tới tuổi quân dịch đã chống lệnh quân dịch; 75.000 người Mỹ bỏ ra nước ngoài vì không chịu nhập ngũ và đấu tranh phản chiến…
Qua vụ việc của ca sỹ Khánh Ly, chúng ta có thể thấy nghệ thuật là một nét đẹp, một phạm trù không thể thiếu trong tất cả các mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, sử dụng nghệ thuật không đúng cách, sử dụng nghệ thuật để xuyên tạc lịch sử là một hành động phải lên án, đi ngược lại sự phát triển của xã hội. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần phải có sự kiểm duyệt chặt chẽ về nội dung của các tác phẩm nghệ thuật trước khi phát hành cũng như trình diễn trước công chúng cũng như có chế tài xử phạt mạnh tay đối với hành vi sử dụng nghệ thuật để xuyên tạc lịch sử, chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.
Về phía ca sỹ Khánh ly, một người từng đứng giữa “Little Sài Gòn” tuyên bố “không bao giờ về Việt Nam kiếm tiền rồi lương tâm chống cộng luôn chảy trong máu tôi”… Giờ ở cái tuổi trên bảy mươi, được Đảng, Nhà nước tạo điều kiện trở về quê hương nên tập trung hát những ca khúc đúng nghĩa nghệ thuật và đừng đụng chạm gì đến lịch sử theo kiểu phiến diện vì đây là Việt Nam, là nơi lịch sử được giữ gìn, là nơi mà người Việt Nam đoàn kết đánh ngoại bang chứ KHÔNG BAO GIỜ LÀ NỘI CHIẾN!
42 NĂM SAU NGÀY “GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC”, CHUYỆN PHẢI XIN PHÉP VÀ CẦN ĐƯỢC PHÊ DUYỆT MỚI CÓ QUYỀN BIỂU DIỄN MỘT CA KHÚC, CHUYỆN BỊ MỜI LÀM VIỆC, PHẢI GIẢI TRÌNH VÌ...
Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch (VHTTDL) tỉnh Lâm Đồng và đơn vị đặc trách An ninh chính trị nội bộ của Công an tỉnh Lâm Đồng đang phối hợp điều tra vụ ca sĩ Khánh Ly biểu diễn ca khúc “Gia tài của mẹ” vào tối 25/6/2022 tại sân khấu Mây - In The Nest, tọa lạc ở phường 7, thành phố Đà Lạt.
Theo báo chí Việt Nam, sở dĩ những người xin phép thực hiện “Dấu chân địa đàng” (đêm nhạc dành riêng cho ca sĩ Khánh Ly biểu diễn tại địa điểm và vào thời gian như đã kể) bị mời làm việc, bị buộc giải trình vì “Gia tài của mẹ” nằm ngoài danh mục 24 ca khúc đã... xin phép biểu diễn và được phê duyệt (*).
***
“Gia tài của mẹ” do Trịnh Công Sơn sáng tác năm 1965 và trở thành một trong những ca khúc được nhiều thế hệ hát khắp nơi ở miền Nam Việt Nam thời Việt Nam Cộng hòa, sau tháng 4 năm 1975, khi miền Nam Việt Nam được... giải phóng, “Gia tài của mẹ” bị cấm phổ biến, biểu diễn chỉ vì nội dung thế này...
Một ngàn năm nô lệ giặc Tầu
một trăm năm đô hộ giặc Tây
hai mươi năm nội chiến từng ngày
gia tài của mẹ, để lại cho con
gia tài của mẹ, là nước Việt buồn
Một ngàn năm nô lệ giặc Tầu
một trăm năm đô hộ giặc Tây
hai mươi năm nội chiến từng ngày
gia tài của mẹ, một rừng xương khô
gia tài của mẹ, một núi đầy mồ
Dạy cho con tiếng nói thật thà
mẹ mong con chớ quên màu da
con chớ quên màu da, nước Việt xưa
mẹ mong trông con mau bước về nhà
mẹ mong con lũ con đường xa
ôi lũ con cùng cha, quên hận thù
Một ngàn năm nô lệ giặc Tầu
một trăm năm đô hộ giặc Tây
hai mươi năm nội chiến từng ngày
gia tài của mẹ, ruộng đồng khô khan
gia tài của mẹ, nhà cháy từng hàng
Một ngàn năm nô lệ giặc Tầu
một trăm năm đô hộ giặc Tây
hai mươi năm nội chiến từng ngày
gia tài của mẹ, một bọn lai căng
gia tài của mẹ, một lũ bội tình.
***
42 năm sau ngày “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, chuyện phải xin phép và cần được phê duyệt mới có quyền biểu diễn một ca khúc, chuyện bị mời làm việc, phải giải trình vì xin tổ chức biểu diễn nhưng... thiếu cương quyết trong việc... chặn họng một ca sĩ đột nhiên muốn hát lại một trong những ca khúc từng giúp bà nổi tiếng lúc còn thanh xuân, đang song hành với những tuyên bố về sự ưu việt của... “dân chủ xã hội chủ nghĩa”, về “hòa hợp, hòa giải”,... gì gì đó!
52 năm trước, lúc viết “Gia tài của mẹ”, dường như Trịnh Công Sơn chưa biết trong di sản của bà mẹ Việt Nam còn có... “một lũ” mà sự ngạo mạn, độc đoán vượt xa tiền nhân, hơn hẳn anh em, đồng bào. Sự ngạo mạn, độc đoán ấy khiến não trạng của “lũ” này trở thành đặc biệt nhạy cảm và y học hoàn toàn bất lực, người Việt đành chấp nhận chuyện “lũ” này... tự ngứa rồi buộc toàn dân phải... cùng... gãi theo đúng định hướng, bất kể anh em, đồng bào có muốn hay không!
Trân Văn
****
CÓ TẬT GIẬT MÌNH!
Nếu không xúc phạm đến “đàn anh” vô vàn kính yêu và đảng thì BTC đâu bị công an triệu tập làm việc.
Dám nói đàn anh “Trung Quốc” là 'giặc', lại còn ám chỉ “nội chiến” do VC gây ra.
Ban tổ chức bị triệu tập là phải rồi. Khi dư luận quan tâm và chú ý nhiều thì công ty có thể bị đóng cửa?
Cũng là bài học cho ca sĩ Khánh Ly nhớ đời. Ch.ống “Trung quốc” và nói lên nỗi lòng về cuộc chiến của đất nước trước năm 75 thì không sao, nhưng đối với chế độ này là không được.
Qua sự kiện trên, làm cho người ta nhớ lại lời phát biểu trong một buổi thuyết pháp của ông sư Thích Chân Quang, Phó ban Kinh tế Tài chính TƯ GHPGVN (quốc doanh)
Ông nói “Theo lịch sử không chối cãi được, Trung Quốc là anh, Việt Nam là em... mà Lý Thường Kiệt mang quân đánh là hỗn.”
Lê Ánh