50 năm trước, những con thuyền gỗ mong manh chở hàng ngàn người Việt lao vào biển đêm, rời bỏ quê hương. Ngày nay, họ không chỉ vượt biên – họ còn nộp hồ sơ du học, xin visa lao động, kết hôn giả hay “du lịch định cư”. Nhưng điểm chung vẫn là: rời đi. Họ ra đi không phải để “đổi đời”, mà để thoát khỏi đời sống bị bóp nghẹt.
Dưới lớp vỏ của "xuất khẩu lao động" hay "du học sinh", là những câu chuyện chưa bao giờ thay đổi: Cha mẹ bán đất để con “được đi”; cô gái trẻ chấp nhận lấy chồng ngoại vì một cơ hội sống khác; kỹ sư phải rửa bát thuê để giữ chân ở lại. Đó không phải là di cư tự nguyện – mà là đào thoát có tổ chức.
Vấn đề không nằm ở việc họ đi đâu – mà là tại sao họ không muốn trở lại. Chúng ta đang chứng kiến một thế hệ “tỵ nạn mới”: rời bỏ tổ quốc không phải vì chiến tranh, mà vì một hệ thống khiến họ không thể phát triển, không thể tự chủ, không thể mơ ước.
Khi một quốc gia khiến công dân của mình phải bỏ đi bằng mọi giá – thì lỗi không nằm ở người ra đi. “Đổi đời” là giấc mơ, một mơ ước khi đời sống đã cùng hạng. Nhưng khi một dân tộc liên tục bỏ chạy, giấc mơ ấy chỉ là mặt nạ của sự bất an tập thể.
Đã đến lúc ta phải hỏi: Làm sao để Việt Nam không chỉ là nơi sinh ra – mà còn là nơi người ta muốn sống, muốn trở về, muốn góp sức? Đừng để “đào thoát” trở thành định mệnh quốc gia.
Văn Ba
__________________
|