![]() |
Người già Trung Quốc khốn đốn trong các khu cách ly Thượng Hải
1 Attachment(s)
Theo như những hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy điều kiện sinh hoạt mất vệ sinh, với toa lét bị tắc và thùng rác đầy tràn, khiến hàng ngàn người cao tuổi ở Thượng Hải điêu đứng vì lệnh phong tỏa đã kéo dài năm tuần nay, sau khi Trung Quốc yêu cầu bất kỳ ai bị nhiễm, hay người tiếp xúc gần, phải bị đưa đi cách ly tập trung.
Một người cao tuổi TQ làm xét nghiệm Covid (ảnh tư liệu) Kể từ khi dịch bùng mạnh hồi đầu tháng Ba, hơn 500.000 người đã xét nghiệm dương tính với Covid-19. Gần 10,000 người trong số đó ở độ tuổi trên 80. Quy định phòng chống Covid của Trung Quốc yêu cầu bất kỳ ai bị nhiễm, hay người tiếp xúc gần, phải bị đưa đi cách ly tập trung. Hàng trăm người bị đưa vào một khu cách ly không phải là chuyện hiếm. Những hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy điều kiện sinh hoạt mất vệ sinh, với toa lét bị tắc và thùng rác đầy tràn. Một phụ nữ ở Thượng Hải nói với BBC rằng bà nội 90 tuổi của chị, hiện đang ở trong một cơ sở cách ly, rất khổ sở về điều kiện vệ sinh ở đó. Cụ không ngủ được và phải tự lo cho bản thân mà gần như không có ai giúp đỡ. Chị cũng lo cho ông nội 91 tuổi, người cũng dương tính, sẽ bị đưa đến khu cách ly tập trung. Điều này coi như là án tử hình, chị nói. 'Nếu ở đó một mình, bà sẽ không sống được' Bà của chị là người đầu tiên nhiễm Covid, người phụ nữ muốn dấu tên này cho hay. Cụ xét nghiệm âm tính hôm 17/4 - mặc dù cụ chưa hề ra khỏi nhà kể từ khi dịch bùng mạnh. Hai tuần qua thực sự là hết sức khó khăn. Cụ già 90 tuổi bị ốm trước đó khiến một chân cụ bị tê và đi lại khó khăn. Toa lét ở trung tâm cách ly cách giường cụ hơn 100 mét, nên cụ phải uống ít nước để khỏi phải đi ra toa lét thường xuyên. Cụ cũng rất khó nghỉ ngơi trong điều kiện sinh hoạt chung đông người. Đèn neon bật 24 giờ một ngày nên cụ không ngủ được, cháu gái cụ cho biết. "Thật may có một bà rất tốt trong trung tâm cách ly. Bà ấy đưa bà tôi đi toa lét và giúp bà tôi ăn." "Nếu bà tôi ở đó một mình, bà sẽ không thể tồn tại được." Người phụ nữ này nói thêm bà của chị không nhận được thuốc mẹ hay "khám bệnh tử tế" nào - chỉ được cho thuốc Bắc mà các chuyên gia y tế nói không có tác dụng nào được chứng tỏ về khả năng chữa hay giảm nhẹ các triệu chứng Covid. Tuy thế, vì quá mong được bình phục và ra khỏi nơi cách ly, bà của chị đã uống bất cứ thuốc gì được phát. Điều này khiến bà bị nhiều bệnh, chẳng hạn như đi ngoài, người cháu gái nói. Người phụ nữ này rất mong đưa bà ra ngoài, hoặc ít nhất là tới một bệnh viện nơi cụ được chăm sóc chu đáo. Nhưng quan chức địa phương khăng khăng rằng họ không cho cụ ra cho đến khi cụ xét nghiệm âm tính. "Khi tôi gọi cho bà, bà nói đi nói lại "Bà muốn về nhà. Bà muốn về nhà sớm," chị nói. "Bà tôi cũng lo cho ông ở nhà." Bị cưỡng chế đi cách ly Nỗi lo lớn nhất của chị là ông nội 91 tuổi, người đã xét nghiệm dương tính, sẽ bị bắt đi cách ly. Hôm thứ Tư, các cán bộ phường đã báo là chuyện này sẽ sớm xảy ra. Ông của chị nằm liệt giường sau khi bị đột quỵ, và bị tiểu đường và huyết áp cao. Ông không thể tự đi vệ sinh, và phải dựa vào người giúp việc sống trong nhà. "Ông tôi không thể đi khu cách ly hay khách sạn cách ly được," chị nói. "Điều kiện vệ sinh ở đó rất đáng lo ngại. Người già không thể thích nghi với môi trường như thế được. Làm sao ông sống được ở đó?" ![]() Hàng trăm người bị đưa vào một khu cách ly không phải là chuyện hiếm Người cháu gái cho biết triệu chứng Covid của ông cho tới giờ là rất nhẹ - chỉ bị ho khan. Ông chỉ cần nghỉ ngơi tại nhà là được, chị nói. "Chúng tôi cãi với cán bộ phường - rằng nếu các ông đưa ông tôi đi khu cách ly, các ông bắt ông tôi phải chết," chị kể. Nhưng các quan chức địa phương nói họ chỉ làm theo chỉ thị của chính phủ. Gia đình chị nói họ sẽ hành động nếu cụ bị cưỡng bức đưa đi. Một quan chức địa phương mà BBC liên hệ cho biết họ đã cho gia đình này được lựa chọn cách ly tại nhà - người cháu gái kể với tôi rằng các quan chức gọi cho chị một tiếng sau và cho biết gia đình chị được làm như vậy. Chị kể chị nghe nói có môt cụ già khác ở khu phố, một cụ bà 94 tuổi dương tính, bị ép buộc đi cách ly. Cảnh sát tới đưa cụ đi lúc nửa đêm, chị kể. "Rất sợ. Chính phủ phải cho chúng tôi một giải pháp. [Hiện tại] họ hy sinh mạng sống của người già để đạt được các mục tiêu 'zero Covid," chị nói. Những người khác trong các khu cách ly cũng kể với BBC về tình hình khó khăn cho người già trong đó. "Không có đủ thuốc men lúc này. Người già không được chữa trị như trong bệnh viện trong lúc bình thường," một người dân Thượng Hải muốn được gọi là ông Wu cho biết. Tuy nhiên, nhiều người già tàn tật được nhân viên và bác sỹ chăm sóc trong khả năng của họ, và một số khu cách ly cũng chuẩn bị bữa ăn đặc biệt cho họ. "Các khu cách ly không đươc tốt như bệnh viện. Nhưng tôi thấy là nhà nước có cố gắng chăm sóc họ," ông Wu nói. Vấn đề tiêm chủng Đợt bùng dịch mới nhất ở Thượng Hải, được phát hiện lần đầu vào đầu tháng Ba, đã ghi nhận 500.000 ca dương tính và 337 ca tử vong tới nay. Gần như tất cả các nạn nhân đều là người cao tuổi chưa tiêm chủng và có bệnh nền, theo các quan chức Trung Quốc. Trong câu chuyện trên, cả bà và ông nội của người phụ nữ đều chưa tiêm vaccine. ![]() Độ phủ vaccine ở người trên 80 tuổi là thấp hơn Trung Quốc đã tiêm hơn 3,3 tỷ liều vaccine Covid và hơn 88% dân số đã tiêm chủng. Nhưng tỷ lệ tiêm trong người trên 80 tuổi, những người có rủi ro cao nhất, lại thấp hơn rất nhiều so với các nhóm tuổi khác. Ở Thượng Hải, chỉ khoảng 62% người cao tuổi đã tiêm đủ hai liều, và 38% đã tiêm mũi tăng cường. |
All times are GMT. The time now is 17:03. |
VietBF - Vietnamese Best Forum Copyright ©2005 - 2025
User Alert System provided by
Advanced User Tagging (Pro) -
vBulletin Mods & Addons Copyright © 2025 DragonByte Technologies Ltd.